Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đô thị thông minh
UBND thành phố Hà Nội cho biết, tại Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng thông minh.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, hai phần ba dân số toàn cầu và 64% dân số tại các nước Châu Á sẽ tập trung tại các đô thị, 80% GDP toàn cầu sẽ đến từ các đô thị và tiêu thụ đến 60% năng lượng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, tốc độ đô thị hóa tăng từ 787 đô thị (năm 2015) lên 862 đô thị (năm 2020) . Khu vực đô thị chiếm 70% GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học và công nghệ, có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô lớn đã thu hút số lượng lớn dân số, đồng thời cũng đang đặt gánh nặng lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng của các đô thị vốn đã đến hoặc quá tuổi thọ thiết kế. Sự quá tải về kết cấu hạ tầng kéo theo hàng loạt các vấn đề về môi trường, giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, ngập nước..., gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Thêm vào đó, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập cũng đặt ra yêu cầu cho các đô thị phải nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh để thu hút các nguồn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhằm đảm bảo tính bền vững của quá trình đô thị hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, các cấp chính quyền TP Hà Nội đang tập trung thực hiện Chương trình số 03-CTr/TƯ ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.
Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn... Một trong những chỉ tiêu của Chương trình là từ nay đến năm 2025 triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng thông minh.
Trong đó, một số khu đô thị thông minh được UBND TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư, tỷ lệ diện tích đã được giải phóng mặt bằng ở mức khá cao.
Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park (quận Nam Từ Liêm) đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình kiến trúc (đạt khoảng 70% khối lượng);
Dự án Khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh) đang giải phóng mặt bằng (đạt khoảng 80%), chưa triển khai đầu tư xây dựng, nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục về giao đất.
Đáng chú ý nhất là dự án Thành phố thông minh (huyện Ðông Anh), do liên danh nhiều nhà đầu tư thực hiện, với mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD, cũng được các cấp, ngành của TP tập trung giải quyết những thủ tục đầu tư xây dựng liên quan, phấn đấu đến tháng 6/2022 khởi công một phần của dự án.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội tiếp tục giao các Sở, ngành, cơ quan liên quan và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đô thị thông minh; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị thông minh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-TTg về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá sơ kết tình hình triển khai đô thị thông tinh tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2022.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng ban hành văn bản 1683/BXD-PTDT gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc báo cáo tình hình triển Đề án “Đô thị thông minh”.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan liên quan báo cáo tình hình phát triển đô thị thông minh tại địa bàn trước và sau khi ban hành Quyết định số 950/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030” gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 30/5/2022 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đúng hạn.