Hà Nội gọi đầu tư khu đô thị 19.000 tỷ mà WTO theo đuổi nhiều năm qua
Khu đô thị mới Đan Phượng có diện tích 128ha, tổng mức đầu tư 19.128 tỷ đồng đang được Hà Nội kêu gọi đầu tư trong năm nay. Dự án này từng được Tổng công ty Cổ phần thương mại xây dựng (WTO) theo đuổi.
Theo danh sách thu hút đầu tư đợt 1 năm nay, TP. Hà Nội đang muốn tìm nhà đầu tư cho 16 dự án khu đô thị, nhà ở xã hội quy mô hơn 930ha, vốn sơ bộ trên 117.000 tỷ đồng.
Trong danh sách này, tại huyện Đan Phượng có 2 dự án quy mô khá lớn sẽ mời đầu tư năm nay là Khu đô thị chức năng Thượng Cát và Khu đô thị mới Đan Phượng, có tổng mức đầu tư 37.653 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD).
Cụ thể, Khu đô thị chức năng Thượng Cát có diện tích gần 139ha, nằm tại phường Thượng Cát và Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 18.525 tỷ đồng.
Còn Khu đô thị mới Đan Phượng có diện tích 128ha, nằm tại các xã Tây Mỗ, Tân Hội, Liên Hà (huyện Đan Phượng) có tổng mức đầu tư 19.128 tỷ đồng. TP. Hà Nội cho biết Tổng công ty Cổ phần thương mại xây dựng (WTO) chủ trì đề xuất dự án.
Liên quan đến dự án Khu đô thị mới Đan Phượng, theo tìm hiểu của VietnamFinance, hồi tháng 12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trả hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khu đô thị mới Đan Phượng cho Tổng công ty Cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex, nay là WTO).
Động thái này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra sau khi WTO có văn bản xin rút lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên sau gần 2 năm nộp hồ sơ theo đuổi dự án.
Trước đó, trong văn bản 5699 gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 6/2022, Bộ Tài chính cho biết theo pháp luật đất đai, vốn sở hữu của nhà đầu tư tham gia vào dự án khu đô thị mới Đan Phượng không thấp hơn 2.869 tỷ đồng.
Nhà đầu tư WTO đề xuất huy động khoảng 3.002 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có từ nguồn tiền mặt, tiền tích lũy của doanh nghiệp và vốn góp của cổ đông.
Bộ Tài chính cho rằng, vốn chủ sở hữu của WTO tại thời điểm kết thúc năm 2021 là 13.008 tỷ đồng, lớn hơn số vốn tổng công ty phải góp vào dự án khu đô thị mới Đan Phượng, nhưng vốn lưu động ròng thể hiện khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn của tổng công ty là 97,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức vốn góp tối thiểu phải góp vào dự án theo quy định pháp luật.
Trong văn bản của Bộ Tài chính cũng lưu ý: Khoản hàng tồn kho và chi phí xây dựng xây dựng cơ bản dở dang dài hạn, chủ yếu là chi phí xây dựng tại các công trình và các dự án đang trong quá trình thi công như: Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội); dự án văn phòng 737-739 Trần Hưng Đạo (TP. HCM); dự án Khu 2 Bình Chánh (TP. HCM)…
Đây cũng là những dự án mà nhà đầu tư WTO phải đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu tham gia dự án theo quy định pháp luật, tương đương 15% tổng vốn đầu tư dự án.
“Để có vốn làm dự án khu đô thị mới Đan Phượng, tháng 3/2022, WTO thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng để thực hiện khu đô thị mới Đan Phượng, song hồ sơ dự án chưa có tài liệu chứng minh tính khả thi và phương án tăng vốn điều lệ thêm từ 4.000 lên 5.000 tỷ đồng của nhà đầu tư”, Bộ Tài chính nêu.
Một điểm đáng chú ý khác được Bộ Tài chính đưa ra trong văn bản thẩm định dự án khu đô thị mới Đan Phượng là nhà đầu tư WTO dự kiến huy động 7.328 tỷ đồng từ khách hàng để thực hiện dự án, song hồ sơ đề xuất dự án lại chưa thuyết minh rõ việc huy động vốn để thực hiện dự án. Do vậy, chưa có cơ sở có ý kiến đánh giá về tính khả thi của việc huy động vốn này.
Về phân kỳ đầu tư dự án thành 4 giai đoạn, kéo dài 9 năm, theo Bộ Tài chính cần rà soát lại, thực hiện phân kỳ đầu tư hợp lý, xác định cụ thể tiến độ triển khai các hạng mục của dự án...