Vietracimex-WTO: Sau đổi tên vẫn huy động được hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Chỉ trong vòng hơn nửa năm của năm 2021, WTO (trước đây là Vietracimex) đã huy động thành công hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu.
Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO) vừa công bố một loạt thông tin cũ về những lần phát hành trái phiếu đã thành công trong thời gian gần đây.
WTO phát hành thành công hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu năm 2021
Theo thông tin mới công bố đầu tháng 5 năm 2022, WTO đã phát hành thành công rất nhiều trái phiếu. Cụ thể:
Theo thống kê phát hành trái phiếu, WTO đã phát hành thành công rất nhiều đợt trong năm 2021 và tập trung từ tháng 5 đến tháng 12/2021. Chỉ trong vòng hơn nửa năm của năm ngoái, WTO đã huy động thành công hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu. Lượng trái phiếu này được phát hành với các kỳ hạn khá đa dạng và đa phần đến nay vẫn còn hiệu lực. Riêng 2 lô WTOCH2126002 và WTOCH2126009 đã được hệ thống HNX ghi lưu chú là hết hiệu lực trong khi kỳ hạn trên trái phiếu vẫn còn mấy năm nữa.
WTO hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất truyền tải và phân phối điện; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp và dân dụng; xây dựng kết cấu hạ tầng cụm dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.
Đa phần trái phiếu của WTO là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo, có lãi suất kết hợp thả nổi và cố định, không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Mục đích phát hành trái phiếu là để tài trợ phương án hợp tác đầu tư BCC với Công ty cổ phần Năng lượng Cà Mau 1B, để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1B do Công ty cổ phần Năng lượng Cà Mau 1B làm chủ đầu tư. Trái phiếu được phát hành riêng lẻ theo phương thức đại lý phát hành. Tài sản đảm bảo là Quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của Dự án Khu đô thị mới Kim Chung- Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội thuộc sở hữu của WTO; Quyền tài sản gắn liền với hợp đồng BCC ký kết giữ WTO và CTCP Năng lượng Cà Mau 1B; Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của Dự án Khu đô thị mới Kim Chung- Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Rất nhiều lô trái phiếu của WTO phát hành chỉ có 1 nhà đầu tư tổ chức là 1 tổ chức tín dụng đăng ký mua.
Từ cái tên tai tiếng Vietracimex đến WTO: Hệ sinh thái của đại gia Võ Nhật Thăng đã huy động vốn trái phiếu "khủng" như thế nào?
Cái tên WTO có lẽ ít người biết đến vì trước đây, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng có tên tiếng anh viết tắt là Vietracimex. Vietracimex tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị giao thông trực thuộc Bộ GTVT. Năm 2004, Thủ tướng cho phép thí điểm cổ phần hóa một số tổng công ty, trong đó có Vietracimex. Đến giữa năm 2006, tổng công ty này hoàn tất cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, trong đó ông Võ Nhật Thăng nắm 93,37% vốn điều lệ. Quá trình cổ phần hoá Vietracimex năm 2016 bị Thanh tra Chính phủ kết luận là phạm nhiều khuyết điểm, vi phạm, tuy nhiên không đến mức xử lý hình sự. Trước đây, doanh nhân Võ Nhật Thăng (SN 1959) nắm quyền chi phối tại Vietracimex, với tỷ lệ sở hữu lên đến 99,99%, cùng với đó là chức vụ Chủ tịch HĐQT, trong khi đó - vợ ông, bà Vũ Thị Mai Loan (SN 1972) đảm trách vai trò Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, hàng loạt tai tiếng xảy ra mấy năm gần đây liên quan đến Dự án Hinode City về sai phạm xây dựng, nợ thuế...thì cái tên tai tiếng Vietracimex cũng biến mất và thay thế vào đó là cái tên WTO. Cùng với sự đổi tên, "thay vỏ" sau khi thực hiện các nghĩa vụ phạt vi phạm xây dựng, vi phạm thuế thì WTO xuất hiện khá mới mẻ. Người được ủy quyền CBTT, đại diện ký tên trên các giấy tờ phát hành trái phiếu là ông Lê Tuấn Dũng-Phó Tổng giám đốc công ty.
Tuy nhiên, việc thay tên không làm thay đổi trạng thái doanh nghiệp này đã liên tục phát hành trái phiếu để huy động cho các dự án của công ty và đến nay, hệ sinh thái WTO đã là con nợ trái phiếu "khủng". Đổi tên nhưng có vẻ WTO vẫn chưa đổi vận khi mà mới đây, hồi tháng 3/2022, cư dân sống tại dự án Hinode City, 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội do Viettracimex - nay là WTO- làm chủ đầu tư đã cùng nhau “xuống đường”, mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức họp mặt và đối thoại với cư dân, nhằm giải quyết các vấn đề bất cập đang còn tồn tại...
Dự án của WTO-đơn vị vừa huy động được nguồn vốn trái phiếu nghìn tỷ-bị cư dân căng băng rôn đòi quyền lợi (Ảnh nguồn: Tạp chí Thương hiệu và Công luận)
Ngoài nhà máy điện gió Cà Mau 1B trong các lô trái phiếu nêu trên thì WTO từng có rất nhiều hoạt động phát hành trái phiếu từ những năm trước. Ngoài ra, các công ty thành viên khác liên quan là CTCP Năng lượng Hòa Thắng, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 cũng đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu của các công ty thành viên của WTO chủ yếu để đầu tư vào các dự án nhà máy điện gió và cùng chung "kiểu" tài sản thế chấp là các lô đất tại dự án Kim Chung-Di Trạch. Một phần nữa là cổ phần phổ thông do Hòa Thắng phát hành và một phần tài sản đảm bảo là chính dự án nhà máy điện gió mà các đơn vị thành viên đầu tư.