Hà Nội: Lùm xùm chưa có hồi kết tại khu đô thị Gamuda Garden Hoàng Mai
Khu đô thị sinh thái Gamuda Gardens được biết đến là một dự án nằm trong quần thể Gamuda City do Công ty Gamuda Land Việt Nam đầu tư, được xây dựng với mục tiêu trở thành khu đô thị "đẳng cấp, văn minh, hiện đại". Thế nhưng trên thực tế, khu đô thị này lại dính đến rất nhiều lùm xùm liên quan đến sai phạm xây dựng, mất an ninh, không có sự thống nhất giữa chủ đầu tư và cư dân, dẫn đến những khiếu nại kéo dài.
Khu đô thị sinh thái Gamuda Gardens có diện tích 75ha, nằm trong quần thể Gamuda City thuộc phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Dự án gồm các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề, nhà phố thương mại, căn hộ. Được cấp phép từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD.
Dự án được "thai nghén" từ việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp phép triển khai dự án Công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) vào tháng 12/2007, do Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad làm chủ đầu tư.
Phải nói thêm rằng, khu đất Gamduda được cấp phép xây dựng khu đô thị được đánh giá có vị trí đắc địa bởi nằm ngay cửa ngõ phía Nam thủ đô, tiếp giáp nhiều khu đô thị, nhiều tuyến đường lớn, nhiều khu vực quan trọng của thành phố. Bởi vậy, dự án này được chào bán với giá khoảng 53-80 triệu/m2 tại thời điểm đó, đến nay giá bán đã lên đến khoảng 180 triệu/m2, một số cư dân tại đây cho biết.
Khu đô thị này được quảng cáo là "nơi đáng sống", thế nhưng nhiều năm qua đã dính không ít lùm xùm về sai phạm xây dựng, nạn trộm cắp, nhiều hạng mục xuống cấp. Chặng hạn như nhiều công trình xây dựng sai phép, không có trong thiết kế ở khu đô thị, đã được người dân phản ánh năm 2021.
Không chỉ có những sai phạm về xây dựng, cư dân (tiểu khu ST5, nằm trong dự án khu đô thị Gamuda Gardens) còn khiếu nại chủ đầu tư là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam không thực hiện đúng hợp đồng mua bán, chối bỏ việc ký thỏa thuận với cư dân sau khi có sự hòa giải từ chính quyền.
Cụ thể, năm 2020 là đỉnh điểm của xung đột giữa chủ sở hữu 140 căn hộ và chủ đầu tư, UBND quận Hoàng Mai đã đứng ra để tổ chức hòa giải. Hai bên đi đến thống nhất sẽ ký bản thỏa thuận. Tuy nhiên, sự việc không chấm dứt ở đây, sau khi ký thỏa thuận với hơn 100 hộ dân còn lại, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam không ký thỏa thuận như đã cam kết trước đây.
Đặc biệt, mới đây, cư dân Gamuda đã có đơn phản ánh kiến nghị về nạn trộm cắp, xuống cấp ở nhiều hạng mục trong khu đô thị. Mặc dù đã có đơn kiến nghị và thông báo từ cư dân, nhưng ban quản lý lại chọn giữ im lặng, không thông báo cho cư dân để đề phòng, khiến xảy ra liên tiếp 4 vụ trộm cắp tài sản trong vòng 20 ngày.
Trộm ngang nhiên đi lại trong nhà, vào từng phòng để lấy điện thoại, ipad, ví tiền,… Rạng sáng 23/7/2022, camera nhà dân ghi lại sự việc trộm đột nhập từ cửa sau nhà, thản nhiên tự do đi lại từ nhà này sang nhà kia và trộm của 3 nhà dân. Được biết, khu đô thị này có tường bao quanh và nhiều chốt bảo vệ, cũng như camera an ninh được ban quản lý lắp đặt, thế nhưng lại để cho hiện trạng này xảy ra liên tiếp.
Hình ảnh kẻ gian đang lục tìm đồ đạc, được cắt lại từ camera hộ dân.
Nhiều lần kiến nghị, muốn có tiếng nói chung giữa ban quản lý và cư dân nhưng đều không thành nên các hộ dân đã treo băng rôn, khẩu hiệu ngay tại cửa nhà để phản đối công tác quản lý an ninh của ban quản lý.
Chị Nhung, cư dân ở đây cho biết: "Phí dịch vụ ở khu đô thị được đóng theo tháng, tính theo diện tích nhà, dao động từ 1 - 3 triệu đồng/tháng, tiền phí quản lý vận hành (QLVH) được nộp cho chủ đầu tư Gamuda Land Việt Nam để được duy trì các tiện ích, cảnh quan cũng như đảm bảo an ninh. Thế nhưng có vẻ như dịch vụ của ban quản lý do chủ đầu tư Gamuda vận hành không được tương xứng với chất lượng".
Nhiều chốt bảo vệ không có người trực.
Không những mất an ninh trật tự mà nhiều hạng mục còn xuống cấp và hỏng hóc. Đơn cử là ngày 26/7/2022, chị Hoa điều khiển xe ô tô qua cổng thì bị barie tự động rơi thẳng vào kính trước xe. Ban quản lý đã lập biên bản sự việc, nhưng cho đến nay phía ban quản lý vẫn không có hồi đáp thỏa đáng với chị. Một số người còn bị thanh barie này rơi trúng mặt. Hiện tại barie đã dừng sử dụng công nghệ tự động bằng cách cho nhân viên bảo vệ đứng bấm cửa thủ công.