Hà Nội nêu rõ tên dự án BĐS cắm ngân hàng

TNNĐ- Tiếp bước TPHCM, Hà Nội đã chính thức nêu tên các dự án đang được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng...

>>> Hà Nội công bố 34 dự án thế chấp ngân hàng

Theo thông báo của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tính đến ngày 29/7/2016 có 34 dự án do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại các ngân hàng.

Đáng chú ý, trong danh sách nói trên có sự góp mặt của một số “ông lớn” trong làng bất động sản tại Hà Nội hiện nay như: Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Capital Land, Tập đoàn Nam Cường, Gleximco, Văn Phú Invest, Trung Việt...

Hà Nội nêu rõ tên dự án BĐS cắm ngân hàng - Ảnh 1

Thậm chí cả tập đoàn bất động ngoại như Gamuda cũng đang thế chấp quyền sử dụng đất dự án tại ngân hàng.

Cụ thể, theo danh sách của Sở TNMT Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest; Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (khu A, B tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Ngoài ra còn có Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (thửa số 04, 03, 02, 01 phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất…

Trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, việc chủ đầu tư thế chấp vay vốn là chuyện bình thường. Việc này được kiểm soát chặt để người dân mua nhà đối với các dự án đủ điều kiện là phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Chúng tôi vẫn đang kiểm soát tốt chuyện thế chấp này, do đó không có chuyện người dân mua nhà ở các dự án thế chấp bị ảnh hưởng quyền cấp giấy. Chủ đầu tư đã bán nhà cho khách hàng thì phải đảm bảo quyền lợi cho họ”, ông Nghĩa nói.

Lãnh đạo Sở TNMT Hà Nội cũng khuyến cáo, đối với người mua nhà nên tìm hiểu đối với các dự án, các nhà đầu tư thông qua các cơ quan chuyên môn trước khi quyết định mua.

“Khách hàng muốn mua dự án nào có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để hỏi nếu tôi mua thì tôi có được cấp giấy chứng nhận hay không. Đây là quyền của người dân và chúng tôi sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này”, ông Nghĩa nói.

Trong khi, trước đó, chính ông Nghĩa lại khẳng định: "Hiện chưa có hướng dẫn hay chỉ đạo nào về việc công bố các dự án thế chấp ngân hàng. Sở TN&MT Hà Nội đang xin ý kiến Bộ TN&MT vì vấn đề công bố này rất nhạy cảm, liên quan đến thông tin kinh doanh của doanh nghiệp".

Trong một diễn biến liên quan, lần đầu tiên Sở TNMT TP.HCM cũng công bố danh sách các dự án bất động sản trên địa bàn TP đang thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng cho các đơn vị, cá nhân được biết.

Bên cạnh các chủ đầu tư thế chấp, Sở TNMT cũng công bố danh tính các tổ chức, cá nhân mua nhà trong dự án đăng ký thế chấp tài sản tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố.

Trước sự việc trên, chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc BIDV thẳng thắn: "Đây chỉ là danh sách ban đầu, các dự án có dữ liệu trên hệ thống mà DN đăng ký còn thực tế danh sách các DN có vay vốn, thế chấp dự án tại các NH rất nhiều chứ không ít như vậy”.

Hà Nội nêu rõ tên dự án BĐS cắm ngân hàng - Ảnh 2>>> TPHCM: Các dự án BĐS thế chấp tại ngân hàng sẽ bị "bêu tên" tại nơi công cộng

 

Ông Lực tiếp tục phân tích, thị trường BĐS của VN còn khá non trẻ so với các nước nhưng quy mô cũng lên tới hàng chục tỉ USD.

Nếu như các quốc gia cấu trúc vốn đến từ quỹ đầu tư, quỹ tín thác, định chế tài chính, quỹ hưu trí... thì VN có tới 75% nguồn vốn được “bơm” chủ yếu từ các NH, phần còn lại huy động từ người mua. Trong đó, có tới 65 - 70% BĐS được thế chấp tại các NH.

Bình luận thêm về bảng “phong thần” trên, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng việc công bố danh sách những dự án BĐS giúp thị trường minh bạch hơn, người dân được tiếp cận thông tin một cách chính xác, biết được dự án nào vay vốn, thế chấp để có thể quyết định đầu tư vào dự án nào, đảm bảo quyền lợi và phòng tránh được rủi ro.

“Tuy nhiên, tôi thấy có điều gì đó hơi bất thường trong việc công bố. TP.HCM và Hà Nội có hàng nghìn dự án BĐS, dư nợ trong cho vay BĐS lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng chứ không phải là ít. Tại sao chỉ công bố có vài chục dự án. DN nào công bố, DN nào không, họ dựa vào tiêu chí nào”, TS Liêm bình luận.

Theo Sơn Ca
Báo Đất Việt điện tử