Hà Nội sẽ xây đường sắt trên cao chạy dọc hai bờ sông Hồng, chi phí chỉ bằng 1/4 so với metro
Loại hình đường sắt monorail được chứng minh phát huy tác dụng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phục vụ phát triển du lịch.
Dẫn tin từ Báo An ninh Thủ đô, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) vừa trình UBND TP Hà Nội Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, thành phố Hà Nội có 15 tuyến.
Điểm đáng chú ý trong quy hoạch là Hà Nội sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, nhằm tạo nền tảng hệ thống giao thông công cộng kết nối tốt với tuyến waterbus, làm triệt tiêu sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả, hữu Hồng, góp phần đưa đô thị "quay mặt hướng sông" kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ.
Điểm kết nối các nhà ga (TOD cảnh quan) sẽ được kết hợp với các dịch vụ du lịch văn hoá với những giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Đồng Tử, khu di tích bà Tấm Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng...
UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất khôi phục 2/6 tuyến đường sắt cũ do Pháp đã đầu tư xây dựng (Ngã Tư Sở - Bờ Hồ và Bờ Hồ - Thuỵ Khuê) dưới hình thức tram way (tàu điện trên mặt đất). Đây vừa là hình thức giao thông gần gũi với hình ảnh xe điện cũ, vừa có giá trị vận chuyển hành khách tốt hơn xe buýt, vừa có giá trị cung cấp dịch vụ du lịch, tham quan, kết nối các điểm du lịch lớn trong nội đô.
Tàu điện một ray - monorail là loại hình đường sắt hoạt động nhiều tại các thành phố phát triển ở châu Á. Các hệ thống monorail của một loạt thành phố lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... được chứng minh rằng đã phát huy tác dụng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phục vụ phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia quốc tế, monorail có nhiều ưu điểm nổi trội so với các loại hình vận tải công cộng khác như chiếm ít diện tích (do xây dựng trên cao) nên không tốn kém trong giải phóng mặt bằng, bán kính đổi hướng chỉ 30-40m nên tàu có thể chạy luồn lách quanh những tòa nhà, chạy dọc theo các giải phân cách, vượt lên trên các công trình giao thông hiện hữu hay hạ xuống ngầm tùy từng khu vực.
Nhiều chuyên gia khá lạc quan với việc xây monorail bởi nó có nhiều ưu điểm. Chi phí để xây dựng 1km monorail là 8 triệu đô la Mỹ, chỉ bằng 1/4 so với chi phí xây dựng 1km metro. Với giá thành đó, doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn trong nước mà không phải đi vay nước ngoài.
Ngoài ra, monorail chạy bằng nguồn điện một chiều hoặc động cơ hybrid nên không gây ô nhiễm môi trường; sử dụng bánh lốp chạy trên dầm bê tông nên không gây tiếng ồn. Tốc độ trung bình của tàu đạt tới 60-90km/giờ, một toa loại lớn có thể vận chuyển gần 200 người. Nhờ vậy monorail được coi là phương tiện giao thông có sức chở lớn nhưng thân thiện nhất với môi trường.
Theo thông tin của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, hiện nay, Vinaconex đã đề xuất xây dựng tuyến monorail Hòa Lạc - Hồ Tây tại Hà Nội.
Còn tại TP. HCM có hai tuyến monorail là đã được quy hoạch là tuyến monorail từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm dài 12km và tuyến từ Ngã sáu Gò Vấp chạy đến Công viên phần mềm Quang Trung với chiều dài 8km. Cả hai tuyến monorail này vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.