Thu nhập 50 triệu đồng/tháng mới đủ vay 50% giá nhà tại Hà Nội, TP.HCM
Theo các báo cáo nghiên cứu mới công bố, để đủ khả năng vay 50% giá trị một căn hộ tại Hà Nội hoặc TP.HCM, người mua nhà cần có thu nhập tối thiểu khoảng 50 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam đang ở mức cao hàng đầu châu Á, khiến cơ hội sở hữu nhà ở ngày càng xa vời với người lao động thu nhập trung bình.
Giấc mơ an cư ngày càng xa tầm tay người lao động đô thị
Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cho biết, Hà Nội và TP.HCM hiện nằm trong nhóm những đô thị khó mua nhà nhất châu Á. Cụ thể, giá bán căn hộ tại Hà Nội đang ở mức khoảng 2.600 USD/m² (khoảng 66 triệu đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 6.300 USD mỗi năm. Tỷ lệ chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại đây là 2,4.
Tại TP.HCM, giá bán căn hộ trung bình là 2.800 USD/m² (tương đương 71 triệu đồng), còn thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD/năm, chênh lệch ở mức 2,7. Dù tỷ lệ này thấp hơn nhiều thành phố trong khu vực, thu nhập thực tế lại thấp hơn, khiến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân Việt Nam gặp nhiều rào cản. CBRE đánh giá: “Người lao động tại Hà Nội và TP.HCM thậm chí còn khó tiếp cận nhà ở hơn cả Singapore”.
Đơn cử như tại Kuala Lumpur (Malaysia), giá căn hộ trung bình tương đương Hà Nội (khoảng 66 triệu đồng/m²), nhưng thu nhập bình quân đầu người lên tới 28.000 USD – cao gấp hơn 4 lần mức tại Hà Nội.
Một nghiên cứu khác của chuyên trang Batdongsan cũng chỉ ra rằng, người dân Hà Nội phải mất trung bình 50 năm thu nhập để sở hữu nhà riêng và 23 năm để mua căn hộ chung cư. Tại TP.HCM, con số này lần lượt là 53 năm và 24 năm. Trong khi đó, theo chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá nhà được coi là hợp lý khi không vượt quá 30 năm thu nhập của một hộ gia đình.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, với mức giá dao động từ 40–70 triệu đồng/m², một căn hộ 60 m² tại hai thành phố lớn có giá khoảng 2,5–3,5 tỷ đồng. Với mặt bằng thu nhập hiện tại, ngay cả nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất Việt Nam (13–20 triệu đồng/tháng) cũng khó tiếp cận nhà ở. Những nhóm thu nhập thấp hơn gần như không có cơ hội.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2024, giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 40–50%, tại TP.HCM tăng 20–30% so với năm trước, một số dự án ghi nhận mức tăng cao hơn. Điều này khiến khả năng chi trả càng thêm áp lực đối với người dân đô thị.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về nhu cầu nhà ở đến năm 2030 cho thấy, người dân chỉ có khả năng tài chính chi trả khoảng 50% giá trị bất động sản mong muốn sở hữu, chủ yếu là nhà riêng và căn hộ.
Dữ liệu từ chuyên trang Nhà Tốt cho biết, giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM trong quý I/2025 đạt trung bình khoảng 86 triệu đồng/m², căn hộ thứ cấp khoảng 59 triệu đồng/m². Với diện tích phổ biến 55–60 m², người mua cần 4,7–5 tỷ đồng cho căn hộ mới hoặc 3,5 tỷ đồng với căn hộ đã qua sử dụng. Để có thể vay 50% giá trị căn nhà này, người lao động cần thu nhập ít nhất 50 triệu đồng mỗi tháng. Cũng theo số liệu của Nhà Tốt, tại Hà Nội, giá căn hộ sơ cấp cũng đạt mức trung bình 79 triệu đồng/m² trong quý I/2025.
Người thu nhập trung bình: Không đủ nghèo để mua nhà xã hội, cũng không đủ giàu để mua nhà thương mại
Theo Nghị định 100, cá nhân độc thân có thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, vợ chồng không quá 30 triệu đồng mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Dù ngưỡng này đã được điều chỉnh tăng thêm 4 triệu đồng/người so với trước, nhiều người vẫn bị loại khỏi chính sách hỗ trợ vì "vượt chuẩn".