Hải Phát (HPX): Lợi nhuận bốc hơi hơn 50%, tiếp tục “khất nợ” trái phiếu
Năm 2024, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 61,4 tỷ đồng, "bốc hơi" 52% so với năm 2023. Trong bối cảnh kinh doanh lao dốc, doanh nghiệp cũng liên tục khất nợ trái phiếu.

Kinh doanh lao dốc
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.615 tỷ đồng, giảm gần 4% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Thu giảm nhưng hoạt động chi lại ngược lại khi chi phí tài chính tăng từ 167 tỷ đồng lên hơn 273 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên hơn 102 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 61,4 tỷ đồng, "bốc hơi" 52% so với năm 2023. Sự sụt giảm này ảnh hưởng trực tiếp từ việc doanh thu tài chính lao dốc. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chỉnh giảm từ 253,3 tỷ xuống còn 41,5 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, Hải Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.327 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 137 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 122,2% so với thực hiện năm 2024.
Báo cáo tài chính 2024 tiếp tục cho thấy bức tranh kém sáng: Tổng tài sản tính đến 31/12/2024 còn hơn 7.701 tỷ đồng, giảm 7,2% so với đầu năm. Tiền mặt và tương đương tiền giảm đến 92,3%, còn vỏn vẹn hơn 1,9 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng cũng giảm mạnh từ 24,2 tỷ xuống còn 1,7 tỷ đồng.
Dự phòng thu ngắn hạn khó đòi tăng 2,2 lần, lên gần 89 tỷ đồng, phần lớn do trích lập 50 tỷ cho khoản nợ từ Công ty CP Đầu tư Solaris Việt Nam. Hải Phát cũng gần như rút hết khỏi các khoản đầu tư khác, chỉ còn giữ khoản góp vốn 30 tỷ đồng vào HP Hospitality Nha Trang (tương đương 4,5% vốn điều lệ tại đây).

Về nợ phải trả, công ty ghi nhận mức giảm 14%, còn hơn 4.067 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay cũng giảm 17%, về hơn 2.000 tỷ đồng. Dù vậy, các khoản "của để dành" như tiền người mua trả trước và doanh thu chưa thực hiện lại tăng 23%, lên hơn 719 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn nhận gần 177 tỷ đồng tiền đặt cọc từ dự án nhà ở xã hội tại Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội). Hệ số nợ phải trả trên tổng tài sản hiện là 0,53.
Liên tục khất nợ trái phiếu
Hải Phát cũng vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho kỳ năm 2024 (từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024).
Theo đó, doanh nghiệp này có 5 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 1.950 tỷ đồng, cụ thể là: Lô HPXH2124001 với giá trị 650 tỷ đồng, HPXH2124009 trị giá 250 tỷ đồng, HPXH2123008 trị giá 250 tỷ đồng, HPXH122018 trị giá 300 tỷ đồng và HPXH2125007 trị giá 500 tỷ đồng.
Về tình hình thanh toán, đối với lô HPXH2124001, Hải Phát thanh toán tiền gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn tương ứng với các đợt đến hạn năm 2024.
Đối với lô HPXH2124009, doanh nghiệp cũng đã thanh toán đầy đủ gốc và lãi, bao gồm cả số tiền lãi 12,9 tỷ đồng chậm trả từ giữa năm ngoái.
Đối với lô HPXH2123008, Hải Phát đã thanh toán số tiền lãi 3,4 tỷ đồng còn nợ nhà đầu tư từ kỳ tháng 4/2024; đồng thời trả đầy đủ, đúng hẹn số tiền lại các đợt còn lại trong năm 2024.
Đối với lô HPXH122018, tính đến ngày 31/12/2024, Hải Phát đã thanh toán đầy đủ tiền lãi các kỳ còn thiếu cho trái chủ, bao gồm gần 50 tỷ chậm thanh toán từ nhiều tháng trước đó.
Tuy nhiên, với lô trái phiếu này, Hải Phát chưa thanh toán số tiền gốc 300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đến hạn tất toán gốc vào ngày 31/12/2024.

Nói về lý do chậm thanh toán, Hải Phải cho biết vì thị trường BĐS gặp kkhó khăn trong bối cảnh nguồn tín dụng cho BĐS bị siết chặt và thanh khoản giảm làm ảnh hướng đến dòng tiền thu từ các dự án của công ty.
Hải Phát cho biết, doanh nghiệp đang đàm phát với trái chủ. Tính đến ngày 6/3 vừa qua, Hải Phát đã thanh toán 35/300 tỷ đồng của lô HPXH122018, và dự kiến trả hết số còn lại trong quý II này.
Đối với lô HPXH2125007, cùng với lý do như trên, Hải Phát chưa thanh toán toàn bộ số tiền lãi 66,8 tỷ đồng đến hạn năm 2024.