Hai tỉnh hút khách du lịch nhất miền Bắc lên ‘dây cót’ cho cao tốc gần 6.000 tỷ đồng

Theo kế hoạch, dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công với quy mô 4 làn xe.

Dẫn tin từ báo Đầu tư, UBND tỉnh Hoà Bình đã có báo cáo gửi Bộ GTVT liên quan đến việc đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn Km0 - Km19, tỉnh Hoà Bình.

Tại văn bản này, UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị Bộ GTVT đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Hòa Bình tách đoạn 2 từ Km0-Km19 thuộc Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) thành dự án riêng, đầu tư xây dựng theo quy hoạch tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); đồng thời điều chỉnh dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) về phạm vi đầu tư, với điểm đầu giao với đường nội thị, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi tại lý trình khoảng Km0+300, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại nút giao liên thông khoảng lý trình Km23+450. Tổng chiều dài dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình – Mộc Châu) là khoảng 31,481km.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hoà Bình kiến nghị cấp có thẩm quyền giao cho địa phương này làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn Km0 - Km19 bằng hình thức đầu tư đầu tư công với quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012) tốc độ 80km/h với tổng mức đầu tư khoảng 5.876 tỷ đồng.

Hai tỉnh hút khách du lịch nhất miền Bắc lên ‘dây cót’ cho cao tốc gần 6.000 tỷ đồng - Ảnh 1

UBND tỉnh Hoà Bình sẽ cân đối chuyển từ dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) sang khoảng 1.598 tỷ đồng tham gia dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tách và điều chỉnh dự án đường liên kết vùng; số vốn còn lại (khoảng 4.278 tỷ đồng) đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, đoạn 2 của dự án đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình- Mộc Châu) thực hiện nhằm mục tiêu kết nối lên đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu tại nút giao IC2 (thuộc thị trấn Đà Bắc).

Đoạn tuyến từ Km0-Km6+700 đi theo quy hoạch cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tiếp tục kết nối qua tuyến ĐT.433 (từ khoảng Km6+700 - Km19 theo lý trình tuyến liên kết vùng).

Giải pháp thiết kế tại dự án này chỉ đầu tư cải tạo, mở rộng đảm bảo phù hợp với mục tiêu và quy mô của tuyến đường, trong đó đoạn tuyến từ Km14+800 - Km18 +100 (từ Km10+200 - Km13+500 của ĐT.433) tuyến đi trùng với đường đô thị, thị trấn Đà Bắc hiện trạng chỉ tiến hành thảm tăng cường kết cấu mặt đường bê tông nhựa (hiện trạng các yếu tố hình học của đoạn tuyến nêu trên chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của đường cấp IV miền núi, tốc độ thiết kế 40km/h).

Theo UBND tỉnh Hoà Bình, với điều kiện địa hình khó khăn, địa chất phức tạp chỉ đảm bảo điều kiện nâng cấp lên đường cấp IV miền núi, do đó trong tương lai sẽ không đáp ứng tính kế thừa và phát triển thành cao tốc và đảm bảo đồng bộ quy mô toàn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư. Mặt khác nếu đầu tư nâng cấp thành cao tốc phải phá vỡ cơ tuyến cũ, đồng thời theo quy định khi đầu tư thành cao tốc phải hoàn trả đường dân sinh tương tự rất lãng phí, phát sinh kinh phí rất lớn, không khả thi.

Quá trình triển khai thi công công trình cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến lưu thông và an toàn giao thông do ĐT.433 là tuyến đường duy nhất để kết nối TP. Hòa Bình và huyện Đà Bắc. Bên cạnh đó, việc tiếp tục triển khai theo hướng tuyến này không phù hợp với quy hoạch tại Quyết định số 1454/QĐ- TTg ngày 1/9/2021 về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 về phê duyệt quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sơn La và Hòa Bình là hai "ngôi sao mới" của miền Bắc khi những năm gần đây liên tục lọt top du lịch. Tỉnh Hòa Bình đón gần 4 triệu lượt khách tham quan du lịch trong năm 2023, tỉnh Sơn La cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới năm 2023”.

Với địa thế rừng núi và tiềm năng phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Chính phủ và địa phương đã có nhiều phương án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch nơi này.

Phương Hà

Theo Chất lượng và cuộc sống