Hầm dài thứ 2 của Việt Nam ghi dấu mốc mới: 'Cú hích' 11.000 tỷ đồng giúp nối nhịp kinh tế Bắc - Nam

Dự án Hầm Đèo Cả với vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng đã về đích trước 4 tháng, tiết kiệm 4.000 tỷ đồng.

Công trình này không chỉ nối liền Phú YênKhánh Hòa mà còn là biểu tượng mới cho sự phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Hầm Đèo Cả được xem là công trình hầm đường bộ lớn thứ hai trên trục Bắc - Nam sau hầm Hải Vân, nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Công trình đã được đẩy nhanh tiến độ “về đích” sớm 4 tháng so với kế hoạch, tiết kiệm được 4.000 tỷ đồng, tạo ra bước ngoặt lớn cho nhà đầu tư.

Vị trí Hầm Đèo Cả. Ảnh: Internet  
Vị trí Hầm Đèo Cả. Ảnh: Internet  

Với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, dự án Hầm Đèo Cả khởi công từ năm 2012 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9/2017; đây là công trình hoàn toàn do người Việt Nam xây dựng, đánh dấu sự trưởng thành và làm chủ công nghệ đào hầm của doanh nghiệp trong nước.

Hầm Đèo Cả có tổng chiều dài gần 14 km, bắt đầu từ xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) và kết thúc tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Toàn cảnh khi nhìn Hầm Đèo Cả từ trên cao. Ảnh: Thảo Quyên  
Toàn cảnh khi nhìn Hầm Đèo Cả từ trên cao. Ảnh: Thảo Quyên  

Toàn tuyến bao gồm ba phần chính: Tuyến hầm Đèo Cả dài hơn 4km, hầm Cổ Mã dài 500m và tuyến đường dẫn dài 9,3 km.

Mỗi tuyến đều có hai đường hầm, cách nhau 30m, rộng gần 10m, gồm hai làn xe với dải an toàn và hành lang bảo dưỡng, thiết kế cho tốc độ tối đa 80km/giờ.

Việc thông xe Hầm Đèo Cả đã rút ngắn khoảng cách 8km, giảm thời gian di chuyển từ 40-45 phút xuống còn 10-15 phút, mang lại sự thuận tiện và an toàn cho phương tiện giao thông.

Hầm Đèo Cả về đích trước hạn tạo nên "bước ngoặt" mới. Ảnh: Thảo Quyên  
Hầm Đèo Cả về đích trước hạn tạo nên "bước ngoặt" mới. Ảnh: Thảo Quyên  

Tính đến ngày 30/7/2024, sau gần 7 năm vận hành, Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm Đèo Cả đã phục vụ hơn 15,6 triệu lượt xe, tổ chức cứu hộ cho hàng trăm phương tiện và xử lý hàng chục vụ tai nạn giao thông, đặc biệt không có vụ cháy nổ nào xảy ra trong hầm.

Hầm Đèo Cả được xem là "cú hích" cho sự phát triển kinh tế trục Bắc - Nam. Ảnh: Thảo Quyên  
Hầm Đèo Cả được xem là "cú hích" cho sự phát triển kinh tế trục Bắc - Nam. Ảnh: Thảo Quyên  

Hầm Đèo Cả được đánh giá là công trình giao thông trọng điểm trên tuyến Bắc - Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên và cả nước.

Trước khi hầm được xây dựng, việc di chuyển qua đèo rất khó khăn với những khúc cua nguy hiểm và vực sâu.

Hầm Đèo Cả đã mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho ngành công nghiệp và du lịch khu vực duyên hải miền Trung, kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và TP. Nha Trang.

Khu kinh tế Vân Phong nằm phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 30km về phía Bắc; đây là một trong 3 khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hoà với diện tích 150.000 ha; khu vực này hiện đang được tiến hành đầu tư hạ tầng và triển khai kế hoạch phân khu để thu hút đầu tư các dự án lớn.

Hầm Đèo Cả là dự án đầu tiên ghi dấu ấn của Tập đoàn Đèo Cả, tiền thân là HTX sản xuất mộc và xây dựng Hải Thạch, được thành lập năm 1985 tại Phú Yên và đổi tên thành Tập đoàn Đèo Cả vào năm 2018.

Sau thành công của dự án Hầm Đèo Cả, Tập đoàn Đèo Cả đã tiếp tục xây dựng nhiều dự án hầm đường bộ khác như hầm núi Vung (cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo) và hầm Cù Mông (Phú Yên), trở thành nhà đầu tư và nhà thầu chính của nhiều dự án cao tốc thành phần khác.

Hải Đăng

Theo Chất lượng và Cuộc sống