Ham tăng lãi suất hút tiền, ngân hàng dính đòn sụt giảm CASA

Trong bối cảnh lãi suất vẫn neo ở mức cao, cuộc đua thu hút vốn rẻ giữa các ngân hàng dường như đang giảm tốc. Tỷ lệ CASA được kỳ vọng phục hồi khi lãi suất giảm nhiệt.

Tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm

Trong bối cảnh áp lực chi phí tăng, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, việc cải thiện tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của các ngân hàng đang gặp khá nhiều khó khăn sau khi bị giảm mạnh trong nửa cuối năm qua, nhất là ở quý IV/2022. 

Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, có tới 23/28 ngân hàng có tỷ lệ CASA sụt giảm trong năm qua. Đáng chú ý, không chỉ những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng đứng đầu về CASA cũng ghi nhận xu hướng giảm trong năm 2022.

Hiện 5 ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ CASA là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB. Song thứ hạng thì đã sự thay đổi đáng kể. MB đã soán ngôi Techcombank trở thành quán quân về tỷ lệ CASA đầu ngành.

Cụ thể, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank liên tục suy giảm kể từ quý II/2022, khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng này từ mức kỷ lục 50,5% hồi cuối năm 2021 xuống còn 37% vào cuối năm 2022. Còn tại MB, dù tỷ lệ này cũng suy giảm nhưng biên độ hẹp hơn, từ mức từ 48,7% vào cuối năm 2021 xuống còn  40,6% cuối năm 2022, giúp MB quay lại vị trí số 1 sau nhiều năm bị “vượt mặt”.

Trong khi đó, hồi đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) từng gây ấn tượng khi lọt vào top đầu các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống, thậm chí còn nhỉnh hơn cả Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về tỷ lệ CASA khi đạt 35,8%. Thế nhưng, cú sụt giảm mạnh trong quý IV/2022 đã khiến CASA của MSB giảm còn 31,2%, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Còn tỷ lệ CASA của Vietcombank chỉ giảm nhẹ từ 35,7% xuống 33,9% trong năm 2022. Phong độ ổn định này được cho là nhờ chính sách miễn phí của Vietcombank cho toàn bộ dịch vụ trên ngân hàng số VCB Digibank từ đầu năm 2022. Xét về quy mô, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank vẫn là cao nhất thị trường.

ACB tiếp tục đứng vị trí 5 với tỷ lệ CASA cuối năm 2022 đạt 22,2%, giảm so với mức 25,4% của cuối năm 2021.

Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt mạnh trong năm qua. Có thể kể đến Sacombank giảm từ 22,6% năm 2021 về còn 19,2% năm 2022; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), giảm từ 23,3% năm 2021 xuống 18% năm 2022; VPBank từ 22,3% năm 2021 còn 17,7% năm 2022; BIDV từ mức 19,4% năm 2021 xuống 18,8% năm 2022; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) giảm từ 11,9% xuống 4,1%; Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) giảm mạnh từ 15,5% xuống 4%, thấp nhất trong các ngân hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng lên so với năm 2021. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tăng 0,1% lên thành 20%; Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) tăng 2,5% lên 17,9%; Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) tăng 3,9% lên thành 7,3%...

Nhìn chung, so với khối ngân hàng cổ phần tư nhân thì các ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì CASA khá ổn định trong năm qua, số dư Casa cuối năm 2022 tăng so với cuối năm 2021. Kết quả này có được phần lớn nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cho ngân hàng số và miễn phí dịch vụ. Hơn nữa, uy tín thương hiệu của ngân hàng có vốn sở hữu của Nhà nước cũng giúp những nhà băng này hấp dẫn người gửi tiền.

Tỷ lệ CASA sẽ được cải thiện khi lãi suất hạ nhiệt

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến tỷ lệ CASA giảm trong năm 2022 là lãi suất huy động liên tục tăng mạnh.

Ham tăng lãi suất hút tiền, ngân hàng dính đòn sụt giảm CASA - Ảnh 1

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh, trong khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản, vàng) không mấy sáng sủa là nguyên nhân khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn của hầu hết ngân hàng sụt giảm mạnh.

Bởi khi lãi suất tăng, người dân thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội lướt sóng như trước thì sẽ chuyển vào gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi cao. Còn với doanh nghiệp, lãi suất cao sẽ khiến họ khó tiếp cận dòng vốn ngân hàng, dẫn đến việc phải rút nguồn tiền sẵn có về hoạt động.

Không chỉ ở các kỳ hạn mà lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cũng được các tổ chức tín dụng tăng lên kịch trần cho phép. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở mức 0,1-0,2%/năm.

Song từ đầu tháng 11/2022, một số ngân hàng đã bắt đầu đẩy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên từ 0,5-1%. Điều này khiến cuộc đua CASA ngày càng khốc liệt.

Trước đây, để hút tiền gửi không kỳ hạn, chỉ Techcombank và MB thực hiện chính sách miễn phí hàng loạt giao dịch trực tuyến. Đến nay, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng. Do đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng. Vì vậy, lượng tiền gửi không kỳ hạn cũng được phân bổ cho các ngân hàng.

Với các ngân hàng, việc gia tăng tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ, tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Thế nên, thu hút tiền gửi không kỳ hạn đã, đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ CASA cao được coi như một thành tích của ngân hàng.

Cải thiện tỷ lệ CASA, kiểm soát chi phí vốn, tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sẽ là "bài toán" khó với các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất được dự báo vẫn sẽ neo ở mức cao trong nửa đầu năm 2023 khiến người dân có xu hướng ưu tiên gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng, lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn vẫn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp sẽ khiến tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023. Tuy vậy, Yuanta kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ được cải thiện hơn khi lãi suất huy động dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.

Còn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.  "Tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt", VCBS nhận định. 

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cũng khá lạc quan khi cho rằng tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là trong ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới. SSI dự kiến các ngân hàng sẽ đạt được chỉ số 50% về tỷ lệ CASA vào cuối năm nay.

Mai Anh

Theo VietnamFinance