Áp lực duy trì CASA để giữ chân "thượng đế"
Hàng loạt ngân hàng đang mang trên mình áp lực duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhằm tăng lực hấp dẫn và thu hút dòng “tiền rẻ”. Thị trường tài chính đang chứng kiến nhiều ngân hàng có mức CASA sụt giảm mạnh, cho thấy sự “khan hiếm” của dòng vốn giá rẻ đang ở mức lo ngại.
Thu hút dòng vốn mới và duy trì lượng khách hàng cũ chính là mục tiêu trước mắt của không ít các ngân hàng. Thậm chí, chiều ngân hàng sẵn sàng nâng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức kịch trần.
Ngân hàng và cuộc đua đưa lãi suất không kỳ hạn lên mức kịch trần
Tham dự vào “đoàn đua”, không thể vắng bóng “ông lớn” VPBank, ngân hàng này vừa công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và áp dụng với khách hàng cá nhân từ ngày 1/11/2022.
Theo đó, các khách hàng tại VPBank có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm. Nếu số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn kịch trần với mức 1%/năm.
Trước đó, ngày 5/11, Techcombank cũng thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,03%/năm lên 1%/năm. Đặc biệt hơn, ngân hàng này còn không giới hạn số tiền tối thiểu.
Không dừng lại ở đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác trên thị trường cũng đang niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 1%/năm như: SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB, NamABank, BacABank, MSB…
Được biết, mức lãi suất 1%/năm cũng đang là mức tối đa cho tiền gửi không kỳ hạn. Cụ thể, theo quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm.
Ở một chiến tuyến khác, một số ngân hàng khác chỉ niêm yết lãi suất không kỳ hạn chỉ từ 0,5 – 0,9%/năm. Điển hình như PVComBank có lãi suất không kỳ hạn 0,7%/năm; TPBank là 0,5%/năm; OCB là 0,9%/năm…
Riêng nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV vẫn duy trì lãi suất không kỳ hạn ở mức từ 0,1 – 0,2%/năm.
Áp lực duy trì CASA ở mức cao
Trên thực tế, cuộc đua thu hút tài nguyên CASA không chỉ đến bây giờ mới nổ ra mạnh mẽ. Vốn dĩ, điều này vẫn luôn tồn tại và diễn ra đã từ lâu nhưng với các hình thức và chiến lược khác nhau. Bởi lẽ, đây là nguồn vốn giá rẻ mà ngân hàng nào cũng mong muốn có.
Ngoài ra, đối với nhiều ngân hàng thì CASA còn phản ánh niềm tin và đánh giá của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Các khách hàng tiềm năng sẽ nhìn vào chỉ số này như một trong các yếu tố quyết định nơi họ sẽ gửi gắm trong tương lai.
Những năm trở lại đây, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng, cuộc đua thu hút tài nguyên CASA giữa các ngân hàng thương mại cũng tăng tốc trong xu hướng bùng nổ đó.
Theo ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) - trong bối cảnh các ngân hàng đều đã tăng mạnh lãi suất sau chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng sẵn sàng rút tiền từ ngân hàng hiện tại để chuyển sang gửi ở ngân hàng có lãi suất tốt hơn.
Trước đây, mức chênh lệch lãi suất thấp có thể không tác động nhiều đến quyết định của khách hàng nhưng mức chênh từ 0,5%/năm trở lên như hiện nay có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người gửi tiền ở bất kỳ kỳ hạn nào. Do đó, các ngân hàng đều có áp lực giữ chân khách hàng bên cạnh việc thu hút khách hàng mới.
Mặt khác, nếu trước kia việc hút CASA của các ngân hàng chủ yếu chỉ dựa vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng toàn diện, đặc biệt là thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Thì nay, như đã nêu bên trên, cuộc đua hút CASA đã phải dùng đến sự trợ giúp từ công cụ lãi suất.
Dưới góc nhìn nhà đầu tư, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tăng nhanh như hiện nay, đồng thời các thị trường đầu tư khác rơi vào tình trạng thanh lọc đầy rủi ro thì phương án lựa chọn kênh gửi tiết kiệm và chờ đợi cơ hội mới là xu hướng an toàn hiện nay.
Tuy nhiên, những con số trong báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm nay tại các nhà băng cho thấy diễn biến không mấy khả quan liên quan đến chỉ số này.
Đáng chú ý, việc tỷ lệ CASA đi xuống không chỉ diễn ra ở các thành viên có quy mô vừa và nhỏ. Những nhà băng vốn luôn đứng đầu hệ thống trong việc thu hút nguồn vốn rẻ cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong 9 tháng qua.
Sau 9 tháng, tỷ lệ CASA của TPBank giảm hơn 6% từ mức 22,1% vào xuống còn 16%. MB giảm 5,4%, Techcombank giảm 4,5%, VPBank giảm 3,7%. Các ngân hàng khác như ACB, VIB, HDBank, SHB, BIDV có mức giảm từ 1% đến 2% trong 9 tháng qua.
Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 ngân hàng tăng được tỷ lệ CASA trong 3 quý vừa rồi. Trong đó, Vietcombank và VietinBank có mức tăng dưới 1%. MSB tăng 2,3% và hiện đứng thứ 3 toàn ngành về tỷ lệ CASA với con số 36,3% sau khi vượt Vietcombank từ cuối năm 2021.
Tỷ lệ CASA có xu hướng giảm trong bối cảnh lãi suất các kỳ hạn đều đã tăng mạnh. Lúc này, việc hút tiền gửi không kỳ hạn với các ngân hàng lại càng quan trọng để giảm chi phí vốn đầu vào. Do vậy, đường đua này được dự đoán sẽ còn gia tăng số lượng thành viên tham gia trong thời gian tới.