Vì sao tỷ lệ CASA của MSB lọt vào top đầu thị trường?

(CL&CS) - Tỷ lệ CASA của MSB còn nhiều tiềm năng để gia tăng trong tương lai nhờ các sản phẩm thuận ích của ngân hàng và tệp khách hàng tăng trưởng tốt.

Vì sao tỷ lệ CASA của MSB lọt vào top đầu thị trường? - Ảnh 1

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa tổ chức buổi gặp mặt trực tuyến với giới phân tích, nhà đầu tư. Đại diện MSB đã chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2022, chiến lược duy trì đà tăng trưởng bền vững đã thiết lập nhiều năm qua cùng một số kế hoạch trọng tâm MSB đang triển khai.

Theo đó, tổng thu nhập thuần hợp nhất của MSB đạt 2.406 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (YoY), dẫn dắt bởi sự tăng trưởng ở cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 1.964 tỷ đồng, tăng hơn 38% YoY. Thu nhập ngoài lãi ghi nhận sự đóng góp lớn từ kinh doanh ngoại hối khi lãi thuần mảng hoạt động này đạt 246 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập từ phí đạt 336 tỷ đồng, tăng mạnh 174% YoY với động lực chính đến từ phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) tiếp tục giảm xuống còn 30,8% từ mốc 37,1% cuối năm 2021 nhờ việc số hóa các quy trình giúp tăng năng suất lao động và gia tăng thu nhập mạnh hơn gia tăng chi phí. Dựa trên sự đa dạng nguồn doanh thu và tối ưu chi phí, kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.495 tỷ đồng, tăng 30,3% YoY.

Tại thời điểm 31/3/2022, tổng cho vay khách hàng đạt 110.600 tỷ đồng, tăng gần 24% YoY và gần 9% so với đầu năm. Tổng tiền gửi từ khách hàng hơn 96.203 tỷ đồng, tăng gần 5% YoY. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng từ mức 35,8% của cuối năm 2021 lên mức 38,3% tại thời điểm 31/3/2022. Đại diện MSB cho biết, tỷ lệ này còn nhiều tiềm năng để gia tăng trong tương lai nhờ các sản phẩm tiện ích của ngân hàng và tệp khách hàng tăng trưởng tốt. Nguồn vốn này là nhân tố quan trọng giúp tối ưu hóa chi phí vốn và giữ được đà gia tăng của tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). 

Về nguồn vốn, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo Thông tư 41 của MSB duy trì ở mức tốt, đạt 12,06%, cao hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của MSB ở mức ổn định khi tỷ lệ nợ xấu (mảng ngân hàng riêng lẻ tính theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN) chỉ 1,29%, tổng nợ tái cơ cấu của ngân hàng giảm còn 2.878 tỷ đồng (so với mức 3.038 tỷ cuối năm 2021). Điều này phản ánh danh mục tín dụng được quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển dài hạn và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch như: sản xuất, y tế, giáo dục, xuất khẩu, năng lượng tái tạo...

Quý 1/2022 cũng ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng khách hàng của MSB khi tổng số khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng lần lượt đạt gần 3,1 triệu và 64.000, tăng 24% và 10% YoY.

Với kết quả kinh doanh quý 1/2022 khả quan, MSB sẽ tiếp tục tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động, tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào số hóa để hiện thực các kế hoạch khá thách thức đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và Cuộc sống