Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng mạnh trong phiên VN-Index vượt 1.010 điểm

Khá nhiều cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là nhóm khu công nghiệp, tiếp tục tăng giá tốt trong phiên cuối tuần 27/11.

Phiên giao dịch cuối tuần 27/11 diễn biến vẫn tương tự như các phiên trước đó. Thị trường đa phần giằng co rung lắc quanh mốc tham chiếu với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Biến động mạnh tiếp tục chỉ xảy ra vào cuối phiên khi lực cầu dâng cao và kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh. Các cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index phiên hôm qua có HPG, VCB, HDB, MWG hay MBB. 

Trong đó, HPG đảo chiều tăng trở lại đến 3,3% lên 36.250 đồng/cp và khớp lệnh 16 triệu cổ phiếu sau 2 phiên giảm mạnh bởi ảnh hưởng từ thông tin PENM III Germany đăng ký bán gần 77 triệu cổ phiếu. 

Bên cạnh đó, PNJ cũng tăng mạnh 3,4% lên 78.800 đồng/cp, TPB tăng 2,8% lên 25.500 đồng/cp. HDB bất ngờ được kéo lên mức giá trần 21.450 đồng/cp và khớp lệnh 10,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Tuy nhiên, áp lực trên thị trường vẫn còn rất lớn và đến từ các cổ phiếu như GVR, VJC, SAB, VIC, VCS, PVS… Trong đó, GVR giảm 1,8% xuống 19.050 đồng/cp và khớp lệnh gần 3 triệu cổ phiếu, VJC giảm 0,9% xuống 119.000 đồng/cp, SAB giảm 0,8% xuống 105.200 đồng/cp.

 

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tiếp tục giao dịch tích cực. BCM có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 42.900 đồng/cp. IDC cũng tăng trần lên 29.500 đồng/cp. Mới đây, HoSE thông báo có 9 nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá cổ phần của IDC do Bộ Xây dựng thoái vốn. Tổng khối lượng Nhà nước muốn thoái đợt này là toàn bộ 108 triệu cổ phiếu, tương đương với 36% vốn. 

Các mã bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh còn có MH3, SNZ, NTC, SIP hay D2D. Theo một báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), đơn vị này đánh giá khả quan đối với ngành bất động sản khu công nghiệp nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn vào trong nước. Cùng với đó là kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia với điểm đến là Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh của nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.

Trong khi đó, diễn biến của nhóm bất động sản chung cũng là tích cực khi ghi nhận các mã tăng trần như SID, OCH, PVR, HDG và LGL. Bên cạnh đó, DXG cũng tăng 3,6% lên 14.200 đồng/cp, DIG tăng 3,3% lên 21.700 đồng/cp, AGG tăng 2,1% lên 29.700 đồng/cp, PDR tăng 2,1% lên 41.550 đồng/cp.

Chiều ngược lại, vẫn có một loạt cổ phiếu bất động sản giảm sâu, trong đó, PNT, HTT, STL và PVL đều bị kéo xuống mức giá sàn nhưng thanh khoản các mã này là rất thấp. Các mã bất động sản thanh khoản cao giảm sâu có TCH (-2,2%), LHD (-1,2%), DRH (-1%).

Chốt phiên cuối tuần, VN-Index tăng 4,25 điểm (0,42%) lên 1.010,22 điểm. Toàn sàn có 251 mã tăng, 167 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,15%) xuống 148,17 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 72 mã giảm và 76 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (0,44%) lên 66,79 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất. Nguồn: Fialda.  
Tổng khối lượng giao dịch ở mức 535 triệu cổ phiếu, trị giá 11.006 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.103 tỷ đồng. ITA và DXG là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 9,9 triệu cổ phiếu và 8,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 84 tỷ đồng trên toàn thị trường. VRE, VIC và DXG là các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh. Trong khi đó, HDG là mã bất động sản hiếm hoi được khối ngoại mua ròng mạnh với 8,5 tỷ đồng.

Chốt tuần, VN-Index tăng 20,22 điểm (+2%) lên 1.010,22 điểm; HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,7%) lên 148,17 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với gần 12.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. 

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 10,7% lên 53.589 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,4% lên 2,4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 7% lên 5.805 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 7,8% lên 355 triệu cổ phiếu.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với mức tăng cùng với thanh khoản khớp lệnh thấp hơn tuần tăng trước đó, điều này cho thấy lực cầu mua lên đang có những sự thận trọng nhất định. Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hiện đã tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019) và áp lực bán trong khoảng này sẽ gia tăng khiến thị trường rung lắc mạnh, nên khả năng điều chỉnh trở lại trong thời gian tới là có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 tiếp tục duy trì basis dương 3,39 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh vẫn lạc quan về xu hướng hiện tại.

Trong tuần giao dịch tiếp theo (30/11 - 04/12), SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục diễn ra những rung lắc trước áp lực bán trong vùng kháng cự 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể bán ra chốt lời khi thị trường nằm trong vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.000 điểm để giải ngân trở lại./.

Tuấn Hào

Theo Reatimes