Hàng loạt quận, huyện ở thành phố đông dân nhất Việt Nam lọt vào ‘tầm ngắm’ giảm hạn mức đất
Dự kiến, việc giảm hạn mức đất sẽ áp dụng với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 trên địa bàn thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM và các quận huyện, TP. Thủ Đức dự thảo về hạn mức đất ở.
Trong đó, dự thảo giảm diện tích hạn mức công nhận đất ở và thu hẹp phạm vi đơn vị hành chính áp dụng tương ứng với từng diện tích. Việc giảm hạn mức đất sẽ áp dụng với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 trên địa bàn thành phố.
Đất ở là diện tích được sử dụng cho xây dựng nhà, công trình phục vụ đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng thửa. Hạn mức đất ở được đưa ra để cơ quan quản lý dựa vào khi công nhận quyền sử dụng đất, giao đất cho người dân. Mỗi tỉnh, thành phố có hạn mức đất ở khác nhau.
Cụ thể, hạn mức đất ở đề xuất giảm tại TP. Thủ Đức và quận 7, 12, Bình Tân có hạn mức đất ở tối đa 200m2/hộ. Với dự thảo quy định mới, hạn mức đất ở tại 4 địa bàn này còn 160m2, tương đương các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.
Ngoài những địa bàn trên, các khu dân cư nông thôn thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, hạn mức đất ở được đề xuất không quá 250m2, thay vì 300m2/hộ, cá nhân như trước. Riêng các thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành, hạn mức đất ở không thay đổi, vẫn mức tối đa 200m2.
Dẫn tin từ báo Thanh Niên, lý giải đề xuất giảm hạn mức đất ở tại các khu vực trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay tốc độ đô thị hóa tại các quận 7, 12, Bình Tân và TP. Thủ Đức diễn ra mạnh mẽ, có hiện trạng phát triển về nhà ở tương tự các quận 6, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh. Mật độ cũng như quỹ đất xây dựng nhà ở tại các khu quy hoạch phát triển đô thị tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ không thua kém, thậm chí còn cao hơn tại khu vực thị trấn thuộc các huyện này. Nhu cầu sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở tại tất cả khu vực trên toàn địa bàn TP rất cao nhưng quỹ đất ở chưa công nhận hiện nay còn lại thấp.
Trong khi đó, luật Đất đai mới quy định các trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 mà nay được công nhận quyền sử dụng đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức. Như vậy, việc quy định diện tích hạn mức công nhận đất ở cao và áp dụng trên phạm vi thuộc nhiều đơn vị hành chính, ngoài những lý do đã nêu trên, có thể giảm thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất.
Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất giảm hạn mức công nhận đất ở và thu hẹp phạm vi đơn vị hành chính áp dụng tương ứng với từng diện tích theo hạn mức.
Với tổng diện tích 2.096km2 và hơn 9 triệu dân (số liệu 2021), TP. HCM là đô thị lớn thứ 2 Việt Nam về diện tích (sau Hà Nội) và lớn nhất về dân số.