Hàng tỷ USD vốn ngoại rút ròng khỏi Việt Nam: Bao giờ quay lại?
Theo ông Kang Moon Kyung, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) có xu hướng rút ròng khỏi Việt Nam từ tháng 4/2023 đến đầu năm 2025 do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng nới rộng.
Dòng vốn toàn cầu đổ về Mỹ và Trung Quốc
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, trong năm 2024, dòng vốn ETF toàn cầu đã tăng mạnh 91%, đạt gần 1.758 tỷ USD – mức cao nhất kể từ đỉnh năm 2021. Trong đó, hơn 70% dòng tiền này đổ vào kênh cổ phiếu, với mức tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Mỹ và Trung Quốc là hai điểm đến chính của dòng vốn này.
Đặc biệt, thị trường Mỹ thu hút 833 tỷ USD, tăng gần 140% so với năm trước và chiếm hơn 66% tổng dòng vốn ETF vào cổ phiếu, nhờ vào sức hấp dẫn của các công ty công nghệ lớn như Apple, Nvidia và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Cuối năm 2024, dòng vốn tiếp tục dịch chuyển sang Trung Quốc, với giá trị tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 131 tỷ USD. Trong khi đó, kênh trái phiếu cũng ghi nhận mức hồi phục ấn tượng, với dòng vốn ETF tăng 34%, đạt 405 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 67%. Ngược lại, dòng vốn ETF vào trái phiếu châu Âu sụt giảm 26% sau ba năm tăng trưởng liên tiếp.
Bước sang hai tháng đầu năm 2025, dòng vốn ETF tiếp tục có sự phân hóa do tác động của chính sách từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù vậy, Mỹ vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất cho cả kênh cổ phiếu và trái phiếu. Ngược lại, Trung Quốc ghi nhận dòng vốn rút ròng 6,7 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.

Trao đổi tại Talkshow Phố Tài chính, ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng Khoán Mirae Asset (MAS), phân tích rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh, với lạm phát có xu hướng giảm.
Đặc biệt, các công ty công nghệ vốn hóa lớn tiếp tục bùng nổ nhờ AI, giúp thị trường chứng khoán Mỹ trở thành "thỏi nam châm" hút dòng vốn. Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất chậm hơn kỳ vọng và đồng USD mạnh đã tạo ra thách thức cho các thị trường khác.
Tại Trung Quốc, sau hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế, dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024, với hơn 54 tỷ USD. Tuy nhiên, xu hướng này đang đảo chiều do căng thẳng thương mại leo thang. Theo số liệu từ MAS, dòng vốn FII đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc đã rút ròng 8 tỷ USD trong các giai đoạn căng thẳng thương mại leo thang hồi tháng 11/2024 và tháng 2/2025.
"Hiện nay, các nhà đầu tư toàn cầu đang theo sát chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump. Đồng USD có thể duy trì sức mạnh do chiến lược 'America First', trong khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng có thể gây áp lực lạm phát và tác động đến chính sách của Fed. Do đó, hai yếu tố quan trọng cần theo dõi trong năm nay là lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và tác động của đồng USD lên các đồng tiền khác", ông Kang nhận định.
Dòng vốn FII rút khỏi Việt Nam
Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo thống kê của MAS, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì sức hút mạnh mẽ. Trong năm 2024, giải ngân FDI đạt 25 tỷ USD, và riêng tháng 1/2025 đạt 1,5 tỷ USD.
Việt Nam đang hấp dẫn nhờ chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động dồi dào và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ cũng quyết liệt triển khai các biện pháp thu hút FDI, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nâng cấp nguồn cung điện theo Quy hoạch điện 8 và thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư vào khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực chip và chất bán dẫn.
Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) lại có xu hướng rút ròng từ tháng 4/2023 đến đầu năm 2025 do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ nới rộng, gây áp lực lên tỷ giá. Theo lãnh đạo MAS, khối ngoại sẽ vẫn thận trọng cho đến khi mức chênh lệch lãi suất thu hẹp.
"Dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố hấp dẫn để thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Một trong những động lực chính là mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu 8% và kế hoạch nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay. Chính phủ đang thực hiện các cải cách quan trọng nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng (hệ thống KRX) và các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp", ông Kang nhấn mạnh.
Việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể giúp định giá lại thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút dòng vốn mới từ các quỹ đầu tư và ETF theo dõi chỉ số. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá hấp dẫn so với nhiều thị trường khác nhờ tăng trưởng kinh tế cao và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực.
Theo dự báo, FTSE có thể nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025, qua đó giúp thu hút dòng vốn đầu tư kỳ vọng khoảng 6 tỷ USD. Trong khi đó, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI vào năm 2026 sẽ phụ thuộc vào các sửa đổi đối với Nghị định 155 và các văn bản hướng dẫn cho Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển thị trường tài chính, bao gồm tăng quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán lên 100% GDP và quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên 20% GDP vào năm 2025.
"Mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm từ gần 100% GDP xuống còn khoảng 60% sau đợt điều chỉnh mạnh vào năm 2022. Do đó, tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng song hành cùng nền kinh tế, chứ không chỉ nhờ vào mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi", ông Kang kết luận.