VN-Index giảm nhẹ hơn 2 điểm phiên đầu tuần

Đóng cửa phiên 28/4, VN-Index giảm nhẹ 2,43 điểm xuống 1.226,8 điểm. Thanh khoản hụt hơi với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt khoảng 12.281 tỷ đồng.

VN-Index vừa trải qua phiên giao dịch khá ảm đạm về cả mặt điểm số lẫn thanh khoản trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Đóng cửa phiên 28/4, VN-Index giảm nhẹ 2,43 điểm xuống 1.226,8 điểm. Thanh khoản hụt hơi với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt khoảng 12.281 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

VHM xuất hiện áp lực bán mạnh, đặc biệt trong đợt ATC khiến giá đột ngột lao dốc rất sâu, từ đó ảnh hưởng lên VN-Index.

VHM chốt phiên sáng đã rất đuối, giảm 1,61% so với tham chiếu. Phiên chiều lực bán hạ giá dâng cao hơn khiến giá tiếp tục lao dốc. Đến cuối đợt liên tục VHM đã giảm hơn 4%. ATC có khoảng 782.000 cổ được tung ra bán và tạo sức ép mạnh khiến VHM đóng cửa giảm tổng cộng 6,1%.

Chỉ riêng mức giảm sâu của VHM đã khiến VN-Index mất hơn 3,7 điểm trong khi toàn bộ mức giảm của chỉ số lúc đóng cửa là -2,43 điểm. VN30-Index cũng bị mã này lấy đi 3,6 điểm trong tổng giảm 4,86 điểm.

VHM cũng là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất thị trường với -117,5 tỷ đồng. Tuy vậy chiều nay khối ngoại bán thêm rất ít (phiên sáng đã bán ròng 115 tỷ đồng). Sức ép giảm giá của VHM chủ đạo là giao dịch của nhà đầu tư trong nước.

VHM là một trong số ít cổ phiếu tăng vượt đỉnh giá trước khi xuất hiện thông tin thuế đối ứng. Kể từ ngày VN-Index tạo đáy trong “khủng hoảng thuế quan” ngày 9/4, VHM đã tăng gần 33% tính đến cuối tuần trước. Với biên lợi nhuận rất lớn và diễn biến ngược xu hướng chung, nhà đầu tư muốn chốt lời VHM trước đợt nghỉ lễ kéo dài cũng là bình thường.

Ngoài VHM, một cổ phiếu lớn khác là FPT chiều nay cũng yếu đi nhiều. Đóng cửa giảm tới 2,58%, trụ này cũng lấy đi hơn 1 điểm khỏi VN-Index và khoảng 2,5 điểm ở VN30-Index. FPT trong nhịp hồi này yếu hơn nhiều so với VHM, thậm chí là kém cả VN-Index.

Ngoài hai cổ phiếu nói trên, nhóm blue-chips chiều nay nhìn chung lại tốt hơn phiên sáng. Thống kê rổ VN30 có tới 20 mã tăng giá so với mức chốt buổi sáng, chỉ 7 mã tụt giá. VNM, BVH, SSB, VCB, VIB là các mã khác suy yếu. Phía ngược lại, VIC, MSN, SAB, MWG, LPB là những mã cải thiện tốt nhất, đều tăng hơn 1% so với phiên sáng.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên cũng có cải thiện tương tự với 235 mã tăng/262 mã giảm. Tuy số lượng cổ phiếu tăng mạnh từ 1% trở lên không vượt trội so với buổi sáng (86 mã so với 70 mã) nhưng thay đổi trong thanh khoản là điều dễ thấy nhất. Phiên sáng mới có 3 cổ phiếu giao dịch được quá 100 tỷ đồng và giá tăng từ 1% trở lên, chiều nay có tới 14 mã.

VIC, VRE, NVL, SSI, VCI, HCM, CII, FTS là những đại diện mới đạt thanh khoản cao. Nhóm vốn hóa nhỏ, thanh khoản kém hơn thậm chí tăng khá nóng với khoảng 50 mã tăng vượt 2%. HAP, DRH, TDH cũng kịch trần. GEE, TLH, QCG, ORS, FIR tăng trên 4%.

Thanh khoản hai sàn niêm yết chiều nay đã tăng 14% thanh khoản so với phiên sáng, đạt gần 6.887 tỷ đồng. Dù vậy xét riêng phiên chiều, đây vẫn là mức giao dịch tệ nhất 10 phiên. 

Thành Nam

Theo Tài chính doanh nghiệp