Chung cư tại TP Hồ Chí Minh bước vào sóng tăng giá nhưng thanh khoản lại “yếu ớt”?

Sau Hà Nội, đến lượt TP.HCM bước vào làn sóng tăng giá chung cư, từ 49 triệu đồng/m2 vào tháng 1/2024 lên mức trung bình 59 triệu đồng/m2 vào tháng 3/2025.

Chung cư tại TP Hồ Chí Minh bước vào sóng tăng giá nhưng thanh khoản lại “yếu ớt”? - Ảnh 1

Giá bán tăng mạnh

Theo dữ liệu Toàn cảnh thị trường chung cư TP.HCM do Batdongsan.com.vn công bố vào tháng 4/2025, mức độ quan tâm đến phân khúc căn hộ tại TP.HCM đã phục hồi tích cực sau Tết. Cụ thể, vào tháng 3/20225, nhu cầu tìm kiếm chung cư TP.HCM tăng 25% so với tháng 1/2024.

Nguồn: Batdongsan.com.vn.
Nguồn: Batdongsan.com.vn.

Thị trường bất động sản TP.HCM ghi nhận xu hướng tăng giá rõ nét ở phân khúc chung cư – từ 49 triệu đồng/m2 vào tháng 1/2024 lên mức trung bình 59 triệu đồng/m2 vào tháng 3/2025, tức tăng hơn 20% chỉ sau 3 tháng đầu năm. Sự tăng giá này chủ yếu đến từ nhu cầu ổn định của người mua ở thực.

Giá rao bán chung cư TP.HCM giữ đà tăng trong khi giá thuê không có nhiều biến động, chỉ duy trì ở mức trung bình 12 triệu đồng/tháng/căn. Điều đó khiến cho lợi suất cho thuê chung cư TP.HCM giảm về mức 3,1%/năm.

Ngoài ra, báo cáo diễn biến thị trường bất động sản nhà ở được hãng tư vấn Cushman & Wakefield công bố mới đây cũng cho thấy quý I, phân khúc căn hộ tại TP HCM tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới, đạt 4.691 USD (gần 120 triệu đồng) mỗi m2, tăng 28% so với quý trước và tăng 47% so với cùng kỳ 2024. Đây là mức giá bình quân căn hộ cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay.

Đánh giá về xu hướng tăng giá chung cư TP HCM, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định giá căn hộ ở thành phố liên tục lập đỉnh là do các dự án mới mở bán trong quý vừa qua (khoảng 2.392 căn) đều thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang (giá trên 100 triệu đồng). Nguồn cung mới đã kéo mặt bằng giá bình quân thị trường tăng đột biến.

Khu Đông và trung tâm, nơi đa phần đang tập trung phát triển dòng sản phẩm cao cấp tiếp tục dẫn đầu rổ hàng mới, chiếm khoảng 53% nguồn cung toàn thị trường. Trong khi khu Nam và khu Tây, nơi còn một số dự án giá trung cấp (trên dưới 60 triệu đồng) có tỷ lệ lần lượt đạt 19% và 15%.

Cũng theo Cushman &Wakefield, đà tăng giá "chóng mặt" của nguồn cung mới đã kéo lượng hấp thụ căn hộ TP HCM giảm 58% so với quý trước đó, với chỉ 1.101 căn giao dịch thành công. Thanh khoản giảm sâu phản ánh rõ nét thực trạng giá bán tăng quá cao và nhanh, đã vượt mức hấp thụ chung của thị trường. Cung - cầu bất cân xứng khiến tỷ lệ hấp thụ căn hộ TP HCM giảm sâu, bất chấp nỗ lực kích cầu từ các chủ đầu tư như trả chậm kéo dài đến 3 năm, chiết khấu từ 10-25%...

Thanh khoản yếu ớt?

Theo báo cáo từ hãng tư vấn bất động sản Knight Frank Việt Nam, quý I, thị trường căn hộ TP HCM ghi nhận sự trầm lắng cả cung lẫn cầu. Nguồn cung mới xuống mức thấp nhất trong 5 năm và thanh khoản cũng sụt giảm so với quý trước đó.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm, toàn thành phố chỉ ghi nhận 689 căn hộ được bán ra thành công. Tỷ lệ hấp thụ đạt 16%, giảm gần 47% so với mức tiêu thụ trung bình ghi nhận năm 2024 và quay về bằng với sức mua thời điểm đầu năm ngoái (khi thị trường còn trầm lắng).

Không chỉ sức hấp thụ của thị trường thấp, quý vừa qua, TP HCM cũng có số lượng sản phẩm mở bán mới thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay. Thành phố chỉ có 619 căn hộ mở bán mới (chủ đầu tư mở bán lần đầu) cùng với hơn 3.600 sản phẩm tồn kho từ các đợt mở bán trước đó, tổng nguồn cung sơ cấp vào khoảng 4.200 căn hộ.

Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận bởi Công ty tư vấn thị trường DKRA Group. Theo đơn vị này, trong quý I, TP HCM có khoảng hơn 6.800 căn hộ mở bán sơ cấp (gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng chỉ có khoảng 1.000 căn hộ được chào bán thành công, tỷ lệ tiêu thụ đạt 15% trên tổng nguồn cung. Con số này giảm gần 60% so với lượng tiêu thụ ghi nhận ở quý IV/2024. Phần lớn sức mua rơi vào các dự án mở bán mới, trong khi rổ hàng tồn kho tiếp tục bị "chê" do giá bán cao và phần nhiều là căn diện tích lớn, vị trí không đẹp.

Lý giải yếu tố khiến thanh khoản căn hộ TP HCM giảm sâu trong quý I, các đơn vị nghiên cứu cho là do rổ hàng mở bán đầu năm kém đa dạng, phần lớn là sản phẩm cũ với giá cao khiến người mua chưa thực sự hào hứng.

Theo Knigh Frank, quý vừa qua 80% sản phẩm bán thành công rơi vào rổ hàng mới, ra mắt lần đầu tiên. Trong khi đó, giỏ hàng tồn kho chỉ tiêu thụ được khoảng 11%. Ngoài ra hơn 90% rổ hàng tồn kho chào bán sơ cấp trong quý thuộc loại trung cao cấp, phân khúc bình dân (dưới 55 triệu đồng mỗi m2) chỉ chiếm 10%.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống