HDI Global SE rót thêm gần 400 tỷ, gia tăng sở hữu tại PVI
HDI Global SE dự kiến mua vào 7 triệu cổ phiếu PVI, trong khi đó nhóm IFC sẽ bán ra 9 triệu cổ phiếu PVI.
Cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) vừa đăng ký mua vào 7 triệu cổ phiếu PVI trong thời gian từ ngày 1/7 đến ngày 30/7, theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.
Hiện tại, HDI Global SE đang nắm giữ hơn 91,1 triệu cổ phiếu PVI, tương đương tỷ lệ sở hữu 38,93%. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của tổ chức ngoại này tại PVI sẽ tăng lên mức 41,9%, chỉ cách mốc sở hữu chi phối khoảng 8% nữa.
Tạm tính theo thị giá của PVI trên thị trường chứng khoán, HDI Global SE có thể phải chi gần 400 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch nêu trên.
Việc gia tăng sở hữu tại PVI của HDI Global SE được thực hiện sau khi phái đoàn cao cấp của Tập đoàn Talanx và HDI Global SE tới thăm trụ sở của PVI vào hồi đầu năm 2024, nhấn mạnh rằng sẽ cùng các cổ đông của doanh nghiệp bảo hiểm này hỗ trợ PVI trên mọi khía cạnh, đặc biệt là trong vấn để quản trị và quản lý rủi ro.
Ở chiều ngược lại, một cổ đông lớn khác của PVI là nhóm IFC lại đồng loạt đăng ký bán ra. Theo đó, IFC và 2 quỹ thành viên gồm IFC Financial Institutions Growth Fund (Quỹ Tăng trưởng hướng tới các định chế tài chính IFC) và IFC Emerging Asia Fund (Quỹ châu Á Mới nổi IFC) cùng đăng ký bán số lượng 3 triệu cổ phiếu PVI. Tổng cộng số lượng mà nhóm IFC dự kiến bán ra là 9 triệu cổ phiếu PVI, trong thời gian từ ngày 26/6 đến ngày 25/7.
Theo thị giá của PVI, nhóm IFC có thể thu về hơn 500 tỷ đồng sau khi bán xong cổ phiếu PVI, đồng nghĩa với việc rời khỏi vị trí cổ đông lớn của doanh nghiệp bảo hiểm này.
Song song với việc IFC thoái vốn, mới đây bà Tatiana Pecastaing Pierre (quốc tịch Pháp), người được đề cử vị trí thành viên HĐQT độc lập bởi IFC tại PVI đã có đơn xin từ nhiệm.
Không chỉ tại PVI, IFC trong thời gian gần đây cũng đã rút vốn khỏi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) sau khi bán khớp lệnh hơn 84 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 8,2% vốn cổ phần của nhà băng này. Được biết, việc bán ra của IFC được thực hiện theo lộ trình thoái vốn đã được thống nhất trước đó.
Quay lại với PVI, dù 2 giao dịch bán ra và mua vào của IFC và HDI Global SE diễn ra gần như cùng thời điểm, nhưng khó để xác nhận đây là giao dịch thoả thuận, trao tay.
Hồi năm 2021, 2 tổ chức này đã ký kết thoả thuận đối tác chiến lược nhằm đẩy mạnh sự phát triển của PVI tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Để thúc đẩy mục tiêu này, HDI Global SE bán một lượng cổ phần tương đương 6,29% tổng số cổ phần đang lưu hành tại PVI cho IFC. Khi đó, hai đối tác chiến lược này sẽ cùng nhau nắm giữ hơn 51% tổng vốn điều lệ và hơn 54% tổng số quyền biểu quyết của PVI.
Ngoài IFC và HDI Global SE, cổ đông lớn thuộc khối ngoại khác của PVI là Funderburk Lighthouse Litmited, đang nắm giữ hơn 29,5 triệu cổ phiếu PVI, tương đương tỷ lệ sở hữu 12,61%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVI đóng cửa phiên 28/6 ở mức giá 56.500 đồng/cổ phiếu, vốn hoá hơn 13.200 tỷ đồng. Trong vòng 6 tháng trở lại đây, thị giá của PVI đã tăng hơn 25%. Từ cuối tháng 5 đến nay, giá cổ phiếu này đã liên tiếp thiết lập những mức đỉnh mới.
Trong phiên 29/5, sau chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp, PVI đã đạt mức đỉnh 60.500 đồng/cổ phiếu. Chưa dừng lại, đến phiên 21/6, PVI tiếp tục nhích lên mức giá 61.000 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I, doanh thu hợp nhất của PVI đạt 6.504 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ghi nhận 446 tỷ đồng, tăng 40,5%, trong đó, mảng hoạt động tài chính đóng góp gần 49% vào tổng lợi nhuận của PVI.
Trong năm 2024, PVI đặt ra kế hoạch doanh thu 17.398 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.080 tỷ đồng, trong đó doanh thu tăng trưởng 8% so với mức thực hiện năm 2023, trong khi lợi nhuận giảm 13%.