Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung ở Thừa Thiên - Huế dần lộ diện

Với tổng mức đầu tư hoàn thiện gần 3.500 tỷ đồng, đường ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An (thành phố Huế) - cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung đang được hàng trăm công nhân, phương tiện cơ giới tất bật thi công để sớm đưa vào sử dụng.

Theo đó, vào tháng 3/2022, Dự án Đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư hoàn thiện gần 3.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có trị giá đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.

Cụ thể, theo thiết kế, quy mô đầu tư giai đoạn 1 là hơn 7,7 km, từ cầu Tam Giang, xã Hải Dương, thành phố Huế đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A đến Quốc lộ 49B thuộc thị trấn Thuận An, thành phố Huế. Cầu qua cửa Thuận An dài 2,3 km, mặt cắt ngang tuyến 26m; bề rộng cầu 20m, dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2024.

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung ở Thừa Thiên - Huế dần lộ diện - Ảnh 1

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Dự án do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Thời gian thi công hoàn thành giai đoạn 1 là 3 năm tính từ ngày khởi công.

Có mặt tại công trường nơi đang thi công cây cầu vượt nghìn tỷ, theo ghi nhận của PV, hàng trăm công nhân, thiết bị phương tiện cơ giới đang tất bật thi công dưới cái nắng gắt. Những trụ cầu ở giữa cửa biển đang được các công nhân thi công hoàn thiện xong phần thân.

Được biết, đây là dự án nhằm hình thành tuyến đường du lịch ven biển đi dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân tại các xã ven biển.

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung ở Thừa Thiên - Huế dần lộ diện - Ảnh 2

                        Công nhân đang tiến hành thi công các trụ cầu giữa biển.

Đây sẽ là tuyến đường chiến lược và động lực để phát triển kinh tế biển, đầm phá trong thời gian tới, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, từng bước thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà thầu hiện nay đã hoàn thành khoan cọc nhồi trụ từ trụ T6-T50, thi công thân trụ, lao dầm... Đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành cọc khoan nhồi, thân trụ còn lại. Hoàn thành toàn bộ các trụ, đúc thêm phiến dầm, bê tông mặt cầu, lan can...

Trả lời PV, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, giai đoạn 1 dự án, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 317.187,40m2. Trong đó, xã Hải Dương thu hồi khoảng 196.186,80m2; ảnh hưởng đến khoảng 600 lăng mộ, đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản của 180 hộ dân. Phường Thuận An thu hồi khoảng 121.000m2; ảnh hưởng 4,1ha đất rừng phòng hộ, 300 mộ xây và nhà cửa, vật kiến trúc của khoảng 120 hộ dân.

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung ở Thừa Thiên - Huế dần lộ diện - Ảnh 3

      Những chân trụ khổng lồ đang được thi công dần tạo nên hình hài của cây cầu vượt biển nghìn tỷ.

Lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, hiện nay, phương án di dời mồ mả ở khu vực xã Hải Dương đã được phê duyệt, tuy nhiên người dân vẫn chưa thực hiện nên chưa thể thi công phần cầu từ đuôi mố M1 đến trụ T5.

“Ban cũng kiến nghị UBND TP. Huế chỉ đạo các phòng ban liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù và xây dựng khu tái định cư ở phường Thuận An để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng. Bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công các hạng mục còn lại trước tháng 12/2023", lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

Nhật Quỳnh

Theo VietnamFinance