Hồ sơ Sumitomo- Tập đoàn tài phiệt Nhật Bản vừa đầu tư vào FPT
Trước khi hợp tác với FPT, Sumitomo - một trong những tập đoàn thương mại tổng hợp lớn nhất thế giới, đã có những thương vụ tỷ USD tại Việt Nam.
Sáng 22/4, tập đoàn FPT thông báo doanh nghiệp này đã hoàn tất việc bán 40% vốn FPT Smart Cloud Japan cho 2 đối tác Nhật Bản là Sumitomo và SBI Holdings. Sau thương vụ này, các bên sẽ cùng phát triển các sản phẩm dịch vụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud) tại Nhật Bản.
Sumitomo là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư đa ngành lớn nhất thế giới. Đây cũng không phải cái tên xa lạ tại Việt Nam, với nhiều dự án hợp tác và đầu tư lên đến tỷ USD.

"Ông lớn" đầu tư đa lĩnh vực
Sumitomo là một trong tứ đại tập đoàn tài phiệt (zaibatsu) của Nhật Bản, bên cạnh Mitsubishi, Yasuda và Mitsui.
Tập đoàn Sumitomo có nguồn gốc hoạt động từ thế kỷ 17 và được chính thức thành lập vào năm 1919, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản.
Sau gần 100 năm hình thành và phát triển, Sumitomo đã trở thành một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản.
Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quy mô toàn cầu như đầu tư xây dựng, giao thông vận tải, khoáng sản, năng lượng, hóa chất, thành phố thông minh, sản xuất linh kiện điện tử, tài chính, bất động sản…
Tính đến nay, tập đoàn Sumitomo đã có mặt tại 64 quốc gia với hơn 80.000 nhân viên trên toàn cầu. Tổng tài sản của tập đoàn đạt gần 73 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 30,5 tỷ USD.
Sumitomo có 893 công ty con và công ty liên kết. Tập đoàn đang trực tiếp quản lý 9 khu công nghiệp trên 6 quốc gia, phân phối 4 khu công nghiệp tại các quốc gia lớn trên thế giới.

Những dự án hàng trăm triệu USD tại Việt Nam
Sumitomo chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 1955. Hiện tập đoàn đã và đang tham gia đầu tư nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực.

Được biết đến là một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng các KCN hàng đầu thế giới, các dự án tiêu biểu của Sumitomo tại Việt Nam có thể kể đến như: KCN Thăng Long (Hà Nội), KCN Thăng Long II (Hưng Yên), KCN Thăng Long (Vĩnh Phúc) với quy mô trên 1.012ha và tổng vốn đầu tư 404,1 triệu USD.
Vào tháng 7/2023, Sumitomo đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa để thực hiện dự án KCN phía Tây TP. Thanh Hóa, với diện tích 650ha và tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.
Trong lĩnh vực năng lượng, Sumitomo là tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2.
Trong lĩnh vực giao thông và phát triển đô thị, tháng 11/2023, dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội đã chính thức được triển khai, do liên doanh tập đoàn Sumitomo và tập đoàn BRG đầu tư với quy mô vốn gần 4,2 tỷ USD (tương đương hơn 96.000 tỷ đồng).
Dự án có diện tích gần 272ha, thuộc các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, Đông Anh. Sumitomo cũng tham gia xây dựng Tuyến đường sắt trên cao số 1 (Metro line 1) của TP. HCM.
Trong lĩnh tài chính, Sumitomo đầu tư và hợp tác với một số tổ chức tài chính tại Việt Nam. Năm 2023, Sumitomo trở thành cổ đông chiến lược của VPBank sau khi đồng ý chi 1,5 tỷ USD, đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng.
Tập đoàn Nhật Bản cũng có thương vụ hợp tác 14 năm với Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), kết thúc vào năm 2022.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, năm 2022, Sumitomo đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ tài chính SmartNet (công ty mẹ của ví điện tử SmartPay) để mua cổ phần trị giá 1,3 tỷ Yên (9,2 triệu USD). Mới đây nhất, Sumitomo cũng đã mua 20% vốn của FPT Smart Cloud Japan.