Hòa Phát gặp khó tại các dự án ở Quảng Ngãi

Các dự án của Tập đoàn Hòa Phát đang triển khai tại Quảng Ngãi liên tiếp vấp phải sự phải đối gay gắt của người dân như dự án Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất.

CTCP Cảng tổng hợp Hòa Phát (công ty con thuộc Tập đoàn Hòa Phát) vừa có công văn về việc kiến nghị khẩn cấp giải quyết tình trạng các hộ dân nuôi tôm cản trở việc thi công dự án Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao UBND huyện Bình Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu giải quyết nội dung kiến nghị của CTCP Cảng Tổng hợp Hòa Phát trước ngày 20/7/2021.

Hòa Phát gặp khó tại các dự án ở Quảng Ngãi - Ảnh 1
Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người thực hiện việc phản ánh đến cơ quan chức năng để được giải quyết, tránh tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) theo thẩm quyền quy định.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi tích cực phối hợp với UBND huyện Bình Sơn để giải quyết nội dung kiến nghị trên.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBND về việc giao khu vực biển cho Công ty CP Cảng tổng hợp Hòa Phát.

Theo đó, tỉnh này đã đồng ý giao 34,88 ha đất khu vực biển Dung Quất, (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát.

Mục đích là để doanh nghiệp này sử dụng để thi công xây dựng bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất, gồm các bến cảng, các công trình phụ trợ, kho bãi và hạ tầng kỹ thuật. Độ sâu được phép sử dụng 15 - 35,2 m. Thời hạn sử dụng khu vực biển là 2 năm kể từ ngày 29/3/2021. Tiền sử dụng khu vực biển là 6 triệu đồng/ha/năm.

Hòa Phát gặp khó tại các dự án ở Quảng Ngãi - Ảnh 2
Khu vực xây dựng Bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Cổng TTĐT Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi).

Được biết, bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi ra quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát đầu tư vào tháng 6/2019.

Dự án có quy mô từ 5 đến 6 triệu tấn/năm, vốn đầu tư hơn 3.774 tỷ đồng, xây dựng ba bến, tổng chiều dài 750 m, tiếp nhận tàu từ 50.000 đến 200.000 tấn, được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2019-2020), đầu tư xây dựng 01 bến liền kề (bến số 8) cho tàu có trọng tải 50.000 DWT với chiều dài 300m và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác để đáp ứng nhu cầu xuất – nhập khẩu hàng hóa trong KKT Dung Quất.

Giai đoạn 2 (2021-2024), tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng 02 bến còn lại (bến số 6 và 7) cho tàu có trọng tải đến 50.000 DWT và lớn hơn (tùy thuộc vào nhu cầu thực tế) với tổng chiều dài còn lại là 450m và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ.

Cảng tổng hợp – container đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 350 lao động địa phương và kéo theo nhiều lao động gián tiếp từ các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp phụ trợ; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động, sản xuất kinh doanh của Cảng…

Cũng liên quan đến dự án của Tập đoàn Hòa Phát tại Quảng Ngãi, vào đầu tháng 6 vừa qua, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất đã dựng lều trước cổng nhà máy, chặn xe ra vào nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất để phản đối vì người dân chưa được cấp nhà ở tái định cư, hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày.

Trước những bức xúc của người dân, Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đến đối thoại và cam kết sẽ giải quyết những vấn đề người dân nêu.

Hòa Phát gặp khó tại các dự án ở Quảng Ngãi - Ảnh 3
Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất gây ô nhiễm môi trường.

Trong đó, với việc gây ô nhiễm môi trường, ông Minh yêu cầu Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất chấm dứt ngay việc thi công ở khu vực mở rộng (115 ha) cho đến khi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật và hoàn thành việc di dời toàn bộ người dân ở đây.

Về đất tái định cư, ông Minh giao UBND huyện Bình Sơn chậm nhất tháng 10/2021 khởi công xây dựng khu tái định cư Vạn Tường, hoàn thành sau 12 tháng để có quỹ đất bố trí người dân vào ở.

Đây không phải lần đầu việc ô nhiễm môi trường xung quanh dự án Nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất được người dân phản ánh. Kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, đã nhiều lần người dân phản ứng gay gắt về tình trạng tiếng ồn, xả thải, khói bụi… gây ô nhiễm môi trường.

Vấn đề này cũng đã từng được đề cập đến trong họp báo thường kỳ quý 1/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 28/4. Theo đó, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, qua điều tra các cơ quan chức năng xác định, tình trạng Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất gây ô nhiễm môi trường xảy ra từ tháng 1/2021.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi để tiếp tục yêu cầu Công ty Hòa Phát kiểm tra chất thải nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn.

Hải Lan

Theo Sở hữu trí tuệ