Hòa Phát có thể đạt lợi nhuận 34.000 tỷ trong năm 2021?
Mới đây CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã điều chỉnh dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tăng 17%, từ 29.000 tỉ đồng lên 34.000 tỉ đồng, tương ứng gấp 2,5 lần so với mức thực hiện năm 2020.
Trong báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mảng thép cuộn cán nóng (HRC) của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) được dự báo là sẽ tiếp tục duy trì mức sinh lời cao trong Quý 3/2021.
Theo VDSC, mặc dù giá bán cao hơn so với một số nhà máy Trung Quốc, song HPG sẽ không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hết sản lượng sản xuất. Điều này là do nhu cầu mạnh mẽ về HRC từ các nhà xuất khẩu tôn mạ nội địa.
“Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ khả quan trong quý II và quý III do công ty vẫn đang giữ giá bán cao. Báo giá của Hòa Phát cho HRC giao trong tháng 7 là hơn 1.000 USD/tấn, cho phép công ty đạt mức biên lợi nhuận gộp khoảng 38% trong quý III, tương tự mức biên gộp trong quý II”, VDSC cho hay.
Đồng thời, VDSC cũng dự báo lợi nhuận sau thuế của HPG trong quý 2 đạt khoảng 10.200 tỷ đồng, và giảm về mức 8.900 tỷ đồng vào quý 3. VDSC điều chỉnh dự phóng LNST năm 2021 tăng 17% từ 29.000 tỷ đồng lên 34.000 tỷ đồng. Với mức EPS dự phóng năm 2021 là 7.140 đồng, cổ phiếu HPG hiện đang được giao dịch ở mức PE forward là 7,2x.
VDSC cho biết sản lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 5 đầu năm của Hòa Phát giảm xuống còn khoảng hơn 320.000 tấn sau khi tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4. Trong đó, tỷ trọng sản lượng xuất khẩu tăng từ mức 17% trong 4 tháng 2021 lên 21,6% trong tháng 5.
Bên cạnh lượng hàng tồn kho tích trữ lớn của các nhà bán lẻ, giá bán tăng và nhu cầu nội địa tương đối yếu là những nguyên nhân chính khiến HPG không thể duy trì sản lượng bán hàng cao như tháng 3 và tháng 4.
HPG có thể giảm giá bán thép xây dựng trong những tháng tới nhằm duy trì mức sản lượng bán hàng, dẫn đến biên gộp nhiều khả năng giảm trong nửa cuối năm. Do mùa mưa sắp đến, nhu cầu thép từ các hoạt động xây dựng Quý 3 nhiều khả năng yếu hơn so với Quý 2.
Nhằm thúc đẩy sản lượng bán hàng, công ty đã bắt đầu giảm giá bán, với mức giảm từ 500-800 đồng/kg kể từ đầu tháng 6. Hiện tại, giá thành của các nhà sản xuất dùng lò điện vẫn cao hơn so với HPG, công ty có thể giành thêm thị phần nhờ giảm giá bán.
VDSC kỳ vọng chính sách giá này sẽ có hiệu quả, cho phép HPG duy trì sản lượng bán ra ở mức 1,04 triệu tấn trong quý 3, tương tự quý 2. Tuy nhiên, do giá quặng sắt đang trong xu hướng tăng, VDSC lo ngại biên lợi nhuận gộp của mảng này có thể giảm đáng kể trong quý 3.
Về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu chủ yếu vẫn từ việc “làm thép”. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất Quý 1/2021 cho thấy, lợi nhuận sau thuế trong quý của công ty đạt 7.006 tỷ đồng, tăng 4.701 tỷ đồng, tăng 204% so với Quý 1/2020 (2.305 tỷ đồng).
Theo giải trình kết quả Quý 1/2021 của Hòa Phát, công ty cho biết kết quả trên chủ yếu do sản lượng thép thô tiêu thụ 60% so với cùng kỳ, giá vốn tốt, giá bán tốt, đồng thời mảng nông nghiệp tiếp tục tăng mạnh.
Tại ngày 31/3/2021 tổng tài sản Hòa Phát đạt 139.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh BĐS chỉ chiếm 3.584 tỷ đồng. Đồng thời tổng nợ phải trả đạt 72.760 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HPG – Trần Đình Long cho biết, trong tương lai HPG sẽ có sự chuyển hướng tập trung vào nhiều mảng, trong đó mảng bất động sản và phân khúc nhà ở sẽ được quan tâm nhiều hơn so với bất động sản công nghiệp.
“Chúng ta đang có uy tín, có tiếng trên thị trường. Năm vừa rồi chúng tôi liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp. Lúc nào cũng vậy, trước đây, hiện nay và sau này cũng sẽ tìm dự án để M&A và chỉ M&A khi chắc chắn có lợi nhuận”. ông Long nói.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Hòa Phát đang là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng nhiều khu công nghiệp như Khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp Yên Mỹ II tại tỉnh Hưng Yên, hay Khu công nghiệp Hoà Mạc tại tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó còn có dự án Mandarin Garden hay Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng.
Quyết định “đổi hướng” trong danh mục kinh doanh của Hòa Phát có thể nói có khá nhiều triển vọng, khi ngành thép đã mang đến cho HPG những khoản lợi nhuận vững chắc và khổng lồ, là bàn đạp quan trọng để doanh nghiệp có thể tiến xa hơn trong những dự định mới của mình. Và mới đây, Hoà Phát đã được UBND TP Cần Thơ cho khảo sát dự án quy mô 88,2 ha tại Cái Răng và dự án 6,24 ha tại Ninh Kiều.
Đáng chú ý, Vừa qua UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất về việc bổ sung Nhà máy điện nhiệt dư Hoà Phát Dung Quất 2 vào dự thảo Quy hoạch điện VIII. Theo đó, dự án do Công ty cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất (công ty con của Tập đoàn Hòa Phát) làm chủ đầu tư, diện tích dự kiến 283,73 ha.
Được biết, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất 2 có vị trí tại xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Mức vốn dự kiến của dự án khoảng 85.000 tỷ đồng. Theo thông tin từ phía Hòa Phát trong đó, vốn cố định 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ đồng.
Đại diện phía Tập đoàn Hòa Phát – Phó Chủ tịch HĐQT Trần Tuấn Dương cho biết, hoạt động sản xuất thép nói riêng và công nghiệp nặng nói chung chắc chắn có ảnh hưởng tới môi trường, đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Dương khẳng định Hòa Phát luôn đạt và vượt các tiêu chuẩn an toàn môi trường theo quy định của pháp luật. Số liệu liên quan tới chất lượng môi trường tại Hòa Phát Dung Quất liên tục được gửi tới các cơ quan chức năng theo thời gian thực (real time) chứ không phải thỉnh thoảng mới có đoàn kiểm tra.