Hoán đổi trái phiếu sang bất động sản: Chưa hẳn là giải pháp “vàng”

Bước vào giai đoạn cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh “khó chồng khó” khi dòng vốn dần cạn kiệt, trong khi khối lượng trái phiếu phát hành trước đó cũng đến hạn phải trả. Để giải quyết khoản nợ sắp đến hạn, doanh nghiệp địa ốc khuyến khích trái chủ hoán đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản. Theo nhiều chuyên gia, đây là giải pháp tốt nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

 

Hoán đổi trái phiếu sang bất động sản: Chưa hẳn là giải pháp “vàng” - Ảnh 1
 

Hướng đi mới giúp doanh nghiệp xoay chuyển tình thế

Theo ghi nhận từ các trái chủ, nhiều trái chủ được doanh nghiệp địa ốc mời tham gia việc chuyển đổi TPDN thành sản phẩm bất động sản. Theo đó, nhà đầu tư có khoản thanh toán đến hạn hoặc chưa đến hạn sử dụng khoản thanh toán để đầu tư các bất động sản của chủ đầu tư kèm theo cam kết mua lại, và chính sách ưu đãi lớn, giảm tới 50% theo giá bán niêm yết của chủ đầu tư.

Các chuyên gia đánh giá, việc hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp sang sản phẩm bất động sản là giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay hiện nay, đặc biệt là với doanh nghiệp có năng lực, có thương hiệu và dự án hoàn chỉnh pháp lý.

“Bất động sản là kênh tích trữ tài sản, tích trữ tiền hàng đầu nên đây là cơ hội rất tốt cho các trái chủ, tuy nhiên cần đánh giá đúng từng dự án, từng chủ đầu tư. Ví dụ như dự án đã đủ pháp lý, gần hoàn thành thì nhà đầu tư có thể lựa chọn. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cũng cần phải có sự đồng hành của các bên”, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, ông Lê Hoàng Châu nêu kiến nghị.

Như vậy, đây là quy đổi bù trừ, nếu nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi và thấy giá bất động sản hợp lý, có tiềm năng thì có thể chuyển sang bất động sản thay vì trái phiếu. Và tất nhiên, doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã bắt đầu chấp nhận tình trạng chiết khấu tài sản là sản phẩm bất động sản.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng đây là biện pháp khả thi cho cả phía doanh nghiệp lẫn chủ nợ trái phiếu.

Theo ông Thịnh, việc trái chủ có chấp nhận giải pháp “hàng đổi hàng” này hay không còn tùy thuộc vào 2 yếu tố: “Thứ nhất, sản phẩm bất động sản được phía doanh nghiệp đưa ra để hoán đổi phải có tính thanh khoản cao, dễ dàng mua bán được. Thứ hai, giá của sản phẩm bất động sản phải ở mức đủ để khuyến khích trái chủ chấp nhận hoán đổi tài sản, đủ để khiến họ nhìn thấy sẽ có lợi trong tương lai”.

Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, những lợi ích được thể hiện rõ nét hơn. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đã chỉ ra 3 “mối lời” mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp địa ốc được hưởng ở đây

Lợi ích đầu tiên dễ dàng nhận thấy nhất là việc doanh nghiệp sẽ trả được nợ vay và lãi vay trái phiếu đúng thời hạn cho các trái chủ. Nhờ vậy, vẫn giữ được uy tín, tên tuổi, danh tiếng trong các đợt phát hành trái phiếu tiếp theo và trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.

Thứ hai, thời gian qua các doanh nghiệp địa ốc cũng gặp nhiều khó khăn khi thị trường “đóng băng”, tính thanh khoản yếu. Do vậy, nếu trái chủ chấp nhận sản phẩm bất động sản thay vì đòi tiền thì cũng là điều tốt cho doanh nghiệp khi vừa bán được hàng, vừa giữ được uy tín.

Cuối cùng, doanh nghiệp hoán đổi được khoản nợ trái phiếu sẽ vừa giải phóng các sản phẩm bị ứ đọng, vừa đẩy nhanh vòng quay của vốn, từ đó tiếp tục vận hành tốt hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hoán đổi trái phiếu sang bất động sản: Chưa hẳn là giải pháp “vàng” - Ảnh 2
 

Chưa đủ sức thuyết phục

Nhìn nhận dưới góc độ tâm lý của trái chủ, chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm cuối năm nên nhà đầu tư đều mong muốn thu được cả vốn gốc lẫn tiền lãi. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể thanh toán được trái phiếu và xin hoán đổi sang tài sản thay vì trả tiền thì rõ ràng phía trái chủ là bên bị động, đây là một bất cập đối với họ.

Nếu chỉ nhìn đơn thuần, hành động "hàng đổi hàng" này hoàn toàn hợp lệ, ít rủi ro và có lợi cho cả đôi bên. Trong đó, doanh nghiệp có thể giảm lượng hàng tồn kho cũng như giảm gánh nặng tìm vốn để trả nợ trái phiếu.

Trái lại, nhà đầu tư lo lắng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể lập tức chuyển sang phương án đầu tư trên thị trường bất động sản. Thậm chí, niềm tin của nhà đầu tư được doanh nghiệp gia cố thêm bằng cam kết mua lại như đã nêu.

Hiện tại, không chỉ Việt Nam, hình thức “hàng đổi hàng” này cũng xuất hiện ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Tại hai quốc gia này, trái chủ thường yêu cầu hoặc doanh nghiệp phát hành tự nguyện thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Song, như đã biết, làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra tại Trung Quốc như thường. Đây còn được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng "bong bóng bất động sản" tại quốc gia này.

Tương tự, trong báo cáo mới đây của FiinRatings lưu ý, chất lượng tín dụng hay khả năng trả nợ của tổ chức phát hành cần phải được xác định cụ thể, trong đó lưu ý tới những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn.

Ngoài ra, tại báo cáo trước đó, FiinRatings lưu ý: "Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp hiện nay không đáng ngại và không có tính rủi ro lan truyền hệ thống. Do đó, nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành".

Kim Yến

Theo Kinh doanh và Phát triển