Hoàng Anh Gia Lai: Chịu áp lực nợ vay hơn 9.000 tỷ đồng, vẫn đứng ra bảo lãnh cho công ty con vay vốn tại ngân hàng?
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) vừa công bố Nghị quyết thông qua việc sử dụng cổ phiếu của CTCP Gia súc Lơ Pang (công ty con của HAG) để cam kết bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ tín dụng của Gia súc Lơ Pang tại ngân hàng TPBank.
Liên tục bảo lãnh cho công ty con vay vốn ngân hàng
Theo thông tin được công bố mới đây của Hoàng Anh Gia Lai, công ty sẽ sử dụng 25,05 triệu cổ phần của CTCP Gia súc Lơ Pang thuộc sở hữu của HAG để cam kết bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ tín dụng của Gia súc Lơ Pang phát sinh từ khoản vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Cụ thể về giá trị khoản vay chưa được tiết lộ.
Được biết, Gia súc Lơ Pang là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai (đang sở hữu 99,75% vốn) đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Gia súc Lơ Pang có trụ sở chính tại 15 Trường Chinh, Phường Phù Đổng, Thành phố Pleiku, Tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, đề cập tại báo cáo bán niên công ty mẹ của HAG cũng ghi nhận thêm đã đầu tư 2.145,6 tỷ đồng vào CTCP Gia súc Lơ Pang. Cuối tháng 3, HĐQT HAG đã thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Gia súc Lơ Pang và sẽ trở thành công ty con của công ty kể từ ngày 31/3/2022.
Theo tìm hiểu, đây không phải lần đầu tiên Hoàng Anh Gia Lai đứng ra bảo lãnh cho công ty con vay tiền tại Ngân hàng khi trước đó, vào ngày 5/9, HAG cũng đã thông qua việc gia hạn thời hạn bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (công ty con của HAG) tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Quyết định bảo lãnh này của Hoàng Anh Gia Lai được thông qua hồi tháng 3/2022. Khoản vay này có hạn mức 400 tỷ đồng và thời hạn 6 tháng.
Về phía công ty Hưng Thắng Lợi Gia Lai, doanh nghiệp được thành lập ngày 12/10/2016. Tại ngày 30/06/2022, HAG đang nắm giữ 98% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Công ty này là 1 trong 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAG, mua lại vào năm 2018.
Chưa hết, vào ngày 22/07, doanh nghiệp của “bầu Đức” cũng đã đứng ra bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của chính Hưng Thắng Lợi Gia Lai tại một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chi nhánh Gia Lai với hạn mức 500 tỷ đồng, thời gian hiệu lực 12 tháng, nhằm bổ sung vốn lưu động kinh doanh.
Còn hơn 9.000 tỷ đồng nợ vay
Tại ngày 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tổng nợ ngắn hạn và dài hạn tăng thêm gần 735 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 9.021 tỷ đồng và chiếm 46,8% tổng nguồn vốn.
Trong đó, 3.295,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 5.725,3 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Theo thuyết minh của Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp có 691 tỷ đồng vay ngắn hạn tại ngân hàng Sacombank – chi nhánh Gia Lai. Số tiền được chia làm hai khoản vay. Trong đó, khoản vay vào ngày 21/1/2022 có giá trị gần 500 tỷ đồng, thời hạn thanh toán và ngày đáo hạn lần lượt là 6/7 và ngày 30/12/2022 với lãi suất từ 8,6 đến 9,1%/năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng 90 triệu cổ phiếu HAG.
Khoản vay thứ hai ngày 26/1/2022 với giá trị 191 tỷ đồng, thời hạn thanh toán là 24/9 và đáo hạn vào ngày 26/10/2022 với lãi suất 8,6%/năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng gần 24 triệu cổ phiếu HAG và hàng loạt bất động sản thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang.
Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng ghi nhận khoản vay 499,99 tỷ đồng Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…
Trong khi đó, đối với trái phiếu, HAG đang ghi nhận 5.876 tỷ đồng do BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do TPBank thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do Công ty TNHH Chứng khoán ACB thu xếp phát hành.
HAG bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2022, Kiểm toán nhấn mạnh, Hoàng Anh Gia Lai có khoản lỗ luỹ kế tới 30/6/2022 là 3.938,5 tỷ đồng và những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Cụ thể, tại thuyết minh 2.6 Hoàng Anh Gia Lai đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan.
Muốn huy động gần 1.700 tỷ đồng
Vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai cũng thông qua kế hoạch đăng ký chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu. Dự kiến thu về gần 1.700 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2022.
Doanh nghiệp cho biết, với số tiền thu được HAG dự kiến dùng gần 800 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang; và 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016 với mã HAGLBOND16.26.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 14/10, cổ phiếu HAG giao dịch ở mốc 10.050 đồng/cổ phiếu, tăng 4,3% trong hai phiên.
Có thể thấy, so với giá dự kiến phát hành riêng lẻ 10.500 đồng/cổ phiếu, giá thị trường đang thấp hơn giá dự kiến phát hành riêng lẻ.