Hoạt động cho vay margin khởi sắc, MBS báo lãi kỷ lục
Quý I/2025, MBS lãi sau thuế 270 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử niêm yết, nhờ dư nợ cho vay margin tăng vọt và chi phí giảm mạnh.
Duy trì phong độ “nhanh nhẹn” thường thấy, Công ty CP Chứng khoán MB (HNX: MBS) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025.
Theo đó, doanh thu 3 tháng đầu năm của MBS đạt 669 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do 2 trong số 3 mảng kinh doanh chủ lực của công ty chứng khoán này sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu môi giới giảm 28%, xuống còn 133 tỷ đồng, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm khoảng 10% còn 127 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” khi mang về 277 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các khoản mục khác như lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), doanh thu lưu ký chứng khoán, doanh thu hoạt động tư vấn tài chính và thu nhập từ các hoạt động khác đồng loạt ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, đóng góp của các nguồn thu này còn khiêm tốn, phần lớn chỉ dao động trong khoảng vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, nên chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm ở các mảng trọng yếu.
Điểm sáng thực sự trên báo cáo tài chính quý I của MBS nằm ở phần chi phí khi khoản mục này chỉ ghi nhận 108 tỷ đồng, giảm tới 59% so với cùng kỳ. Trong đó, các khoản lỗ từ FVTPL giảm gần một nửa, xuống còn gần 54 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khoản hoàn nhập chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay lên tới hơn 77 tỷ đồng đã góp phần đưa chi phí của MBS giảm mạnh.
Chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán, vốn là một trong những khoản mục “ngốn” nhiều tiền nhất, cũng được tiết giảm đáng kể, thu hẹp 14% so với cùng kỳ, xuống còn 117 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của MBS tăng 47% so với cùng kỳ, đạt 270 tỷ đồng, mức lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

Được biết, năm 2025, MBS đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40% so với thực hiện năm ngoái.
Như vậy, kết thúc quý I, dù mới thực hiện được gần 20% chỉ tiêu doanh thu nhưng công ty chứng khoán vẫn đang bám rất sát tiến độ tăng trưởng lợi nhuận khi đã hoàn thành 26% kế hoạch đề ra.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của MBS đạt xấp xỉ 22.409 tỷ đồng, nhích nhẹ so với đầu năm. Quá nửa tài sản là các khoản cho vay với 11.442 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất từ trước tới đây. Riêng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt 11.329 tỷ đồng, tăng 12% chỉ sau 3 tháng.

Cũng tại thời điểm cuối tháng 3, danh mục FVTPL của MBS ghi nhận giá trị thị trường đạt gần 2.565 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Sự mở rộng này chủ yếu đến từ việc công ty gia tăng quy mô cổ phiếu và giấy tờ có giá. Trong đó, số dư cổ phiếu tăng gấp 2,7 lần, đạt 447 tỷ đồng, còn giấy tờ có giá tăng 55%, lên mức 1.162 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản mục HTM có giá trị 4.901 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm.
Tại khoản mục AFS, tính đến ngày 31/3/20225, MBS không còn ghi nhận giá trị của các giấy tờ có giá khác mà chỉ còn ghi nhận mức giá gốc 168 tỷ đồng đối với cổ phiếu và 1.359 tỷ đồng đối với trái phiếu. Theo đó, giá trị ghi sổ hiện đang ở mức 1.527 tỷ đồng, giảm 44% so với đầu năm.