Quý IV hụt hơi, MBS vẫn báo lãi năm 2024 cao kỷ lục
Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của MBS đạt 931 tỷ đồng, vừa chạm mục tiêu. Đây cũng là mức lãi cao nhất lịch sử của công ty chứng khoán này.
Không nằm ngoài dự đoán, Công ty CP Chứng khoán MB (HNX: MBS) một lần nữa là cái tên “mở bát” mùa báo cáo tài chính của nhóm công ty chứng khoán.
Ba tháng cuối năm, MBS mang về gần 758 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý liền trước, công ty chứng khoán này tiếp tục “đi lùi”.
Về cơ cấu doanh thu, lãi từ các khoản cho vay và phải thu là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 35%, ghi nhận ở mức 268 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, dù chỉ xếp thứ hai về tỷ trọng (29%) nhưng mảng tự doanh lại cho thấy sự tăng trưởng vượt trội hơn cả. Cụ thể, quý vừa qua, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của MBS đạt 217 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ. Nên nhớ, trong quý III, đây là khoản mục đóng góp nhiều nhất vào doanh thu hoạt động của công ty chứng khoán này.
Ngoài ra, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) hay doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính và các hoạt động khác ít nhiều đều cải thiện so với cùng kỳ.
Duy chỉ có doanh thu môi giới là suy yếu. Quý IV/2024, hoạt động này mang về cho MBS 131 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Đáng tiếc, chi phí môi giới gần như không được tiết giảm, đạt xấp xỉ 131 tỷ đồng, khiến cho MBS gần như không thu được đồng lãi nào từ hoạt động này. Là công ty đứng thứ 6 về thị phần môi giới trên HoSE năm 2024, MBS vẫn không thoát khỏi những thách thức chung của thị trường chứng khoán, khi thanh khoản suy kiệt và hoạt động giao dịch diễn ra ảm đạm.
Bên cạnh đó, các loại chi phí hoạt động khác cũng leo thang nhanh chóng, vượt qua mức tăng của doanh thu. Mảng tự doanh, dù báo lãi lớn nhưng lại phải gánh khoản lỗ lên tới 173 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với cùng kỳ.
Chưa kể, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý công ty tiếp tục “phình to”. Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 của MBS chỉ nhích nhẹ 3%, đạt xấp xỉ 207 tỷ đồng.
Cộng thêm áp lực từ chi phí thuế, lãi sau thuế của công ty chứng khoán này giảm gần 5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 165 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.
Tuy nhiên, tính chung cả năm, kết quả kinh doanh của MBS vẫn khá tươi sáng. Năm vừa qua, công ty chứng khoán này mang về 3.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với năm 2023, vượt 12% chỉ tiêu đã đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 931 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước, lên mức cao nhất lịch sử.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của MBS đạt 22.132 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất (47%) với 10.294 tỷ đồng. Khoàn mục này tăng 12% so với năm trước. Riêng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt 10.120 tỷ đồng, tăng 19% sau một năm.
Cũng tại thời điểm cuối năm 2024, khoản mục FVTPL của MBS ghi nhận giá trị thị trường đạt hơn 1.974 tỷ đồng, tăng 75% so với cuối năm 2023, chủ yếu bao gồm trái phiếu niêm yết (gần 1.000 tỷ đồng) và giấy tờ có giá khác (747 tỷ đồng).
Trong khi đó, khoản mục HTM có giá trị 4.995 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần giá trị ghi nhận tại ngày 31/12/2023.
Tại ngày 31/12/2024, khoản mục AFS có giá gốc là 2.706 tỷ đồng, cao gấp đôi cuối năm 2023. Đáng chú ý, MBS tiếp tục duy trì dự phòng suy giảm giá trị 83 tỷ đồng đối với cổ phiếu chưa niêm yết và bổ sung thêm khoản dự phòng gần 16 tỷ đồng đối với tría phiếu chưa niêm yết. Theo đó, giá trị ghi sổ hiện đang ở mức 2.608 tỷ đồng.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của MBS ghi nhận ở mức hơn 15.223 tỷ đồng, tăng 48% tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là khoảng 13.070 tỷ đồng; nợ trái phiếu dài hạn là hơn 1.061 tỷ đồng.