Hơn 16.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản và xây dựng sẽ đáo hạn vào tháng 1/2023
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, tổng giá trị trái phiếu đến hạn từ nay đến hết tháng 1/2023 là gần 17.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Gần 17.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán
Theo dữ liệu của VBMA vừa công bố, tính đến ngày 30/12/2022, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 12 với tổng giá trị 1.700 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.599 tỉ đồng, giảm 65% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỉ đồng, giảm 66% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).
Cụ thể, CTCP Đầu tư Nam Long và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên là 2 đơn vị phát hành lô trái phiếu lớn nhất, với tổng giá trị đạt 1.000 tỉ đồng. BIDV và MBBank phát hành tổng cộng 400 tỉ đồng. CTCP Dược phẩm Tenamyd và CTCP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát 1 phát hành tổng cộng 300 tỉ đồng.
Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 12/2022 (tính đến ngày công bố thông tin 30/12/2022) là 39.542 tỉ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ tháng 12/2021). Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 210.573 tỉ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
Đáng chú ý, giá trị lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong tháng 1/2023 là gần 17.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỉ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỉ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn).
Năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng. Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.
Về kế hoạch phát hành TPDN năm 2023, có hai ngân hàng đã công bố là Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A Bank) và Ngân hàng BIDV.
Trong đó, BAC A Bank có kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 hơn 2.564 tỷ đồng trong tháng 1 và tháng 2. Kỳ hạn 7 và 8 năm với mức lãi suất thả nổi lần lượt là Lãi suất tham chiếu (LSTC) + 1,1%/năm; LSTC + 1,3%/năm và LSTC + 1,5%/năm.
Ngân hàng BIDV cũng đã công bố kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 với tổng giá trị 6.790 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 7, 8 và 10 năm trong tháng 1/2023.
Tìm điểm sáng cho thị trường trái phiếu năm 2023
Có thể nói, năm 2022 là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Những động thái xử lý nghiêm của các cơ quan quản lý đối với hành vi vi phạm trên thị trường trái phiếu riêng lẻ về lâu dài sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch trên thị trường, nhưng trong ngắn hạn đã khiến các nhà đầu tư có phần e ngại đối với thị trường này.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước đã đưa ra 5 giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý: Rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bộ trưởng cho biết, trước mắt, do tình hình thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều khó khăn, thanh khoản sụt giảm, niềm tin của thị trường suy giảm, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.
Thứ hai, tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính tiếp tục tập trung truyền thông với thông điệp rõ về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường TPDN; đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng vấn đề truyền thông, ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt,... gây ảnh hưởng đến thị trường.
Thứ ba, tập trung công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty chứng khoán, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiêpj phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và NHNN sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu; đặc biệt là việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán.
Thứ tư, về tổ chức điều hành thị trường, Bộ sẽ rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các DN đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng; chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch.
Thứ năm, về bảo đảm thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị với NHNN tập trung triển khai các biện pháp điều hành bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường TPDN đang gặp khó khăn.