Hơn 16 triệu tỷ bơm ra nền kinh tế; lãi suất khó giảm thêm
Hơn 16 triệu tỷ bơm ra nền kinh tế, dư địa cắt giảm lãi suất của các ngân hàng không còn nhiều, tỷ giá tăng nóng... Đó là thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
NHNN tăng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng
Trong báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết một trong những định hướng quản lý thị trường vàng là tiếp tục truyền thông để cung cấp các thông tin về chủ trương, giải pháp, chính sách nhằm ổn định tâm lý thị trường.
NHNN cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tăng thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
>> Xem thêm: NHNN tăng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng
Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dư địa cắt giảm lãi suất của các ngân hàng không còn nhiều trong nửa cuối năm 2025.
Trong báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn mới đây, NHNN cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ có nhiều sức ép trong thời gian tới.
Nguyên nhân là do lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua trong khi nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dự kiến gia tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, huy động vốn toàn hệ thống TCTD có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động khiến dư địa giảm lãi suất cho vay bị thu hẹp.
>> Xem thêm: Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều?
Hơn 16 triệu tỷ bơm ra nền kinh tế, loạt chương trình 'vốn rẻ' tìm khách vay
Trong báo cáo trình Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, tính đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024 và tăng 18,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
>> Xem thêm: Hơn 16 triệu tỷ bơm ra nền kinh tế, loạt chương trình 'vốn rẻ' tìm khách vay
Kho bạc Nhà nước tăng gửi tiền vào nhóm Big4
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến cuối tháng 3 tại 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV ở mức 379.053 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2020. Mức này tăng gấp 1,03 lần so với quý IV/2024 và gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, BIDV được KBNN gửi 130.686 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm kết thúc năm 2024. Nhưng so với cuối quý I/2024, số dư tiền gửi KBNN tại đây tăng gấp 2,87 lần.
>> Xem thêm: Kho bạc Nhà nước tăng gửi tiền vào nhóm Big4
Tỷ giá USD/VND tăng nóng, ngược chiều thế giới
Trong khi giá USD thế giới hạ nhiệt thì tỷ giá USD/VND vẫn duy trì ở mức cao lịch sử trong bối cảnh chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam.
Tỷ giá tăng cao phản ánh rõ tâm lý nắm giữ USD trong dân. Nhiều người kỳ vọng giá USD sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm do tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ nên có nhu cầu mua vào.

>> Xem thêm: Tỷ giá USD/VND tăng nóng: Ứng phó với 'cơn gió ngược'
Ngân hàng rót vốn chục nghìn tỷ vào hạ tầng, công nghệ số
Hai ngân hàng ACB và HDBank đã lần lượt tung ra các gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến nay đã có 21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số.
>> Xem thêm: Ngân hàng rót vốn chục nghìn tỷ vào hạ tầng, công nghệ số
NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ sàn Forex nào tại Việt Nam
NHNN thông tin, đến nay chưa cấp phép cho bất kỳ sàn Forex nào tại Việt Nam và hiện NHNN đang nghiên cứu về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
NHNN đã chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng để thanh toán cho các giao dịch bất hợp pháp, trong đó bao gồm thanh toán cho hoạt động của sàn Forex.
>> Xem thêm: NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ sàn Forex nào tại Việt Nam
Kiểm soát sở hữu chéo vẫn khó do 'đứng tên hộ'
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN cho biết, những năm qua, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Theo NHNN, việc kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng rất khó khăn khi cổ đông và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân hay tổ chức khác đứng tên hộ.
>> Xem thêm: NHNN: Kiểm soát sở hữu chéo vẫn khó do 'đứng tên hộ'
Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu SCB
Trong báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Quốc hội, NHNN đã thông tin cập nhật về công tác tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đến nay với những kết quả tích cực.
Với trường hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trên cơ sở phương án cơ cấu lại SCB của nhà đầu tư, NHNN đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu lại SCB.
>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu SCB
Đề xuất cho VAMC thu mua nợ xấu của các TCTD nước ngoài
Mới đây, NHNN đã trình Chính phủ tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
NHNN đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53, cho phép VAMC mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.
>> Xem thêm: Đề xuất cho VAMC thu mua nợ xấu của các TCTD nước ngoài
Ứng dụng ngân hàng 'trỗi dậy', người dùng ngó lơ Fintech
Trong khi các nền tảng Fintech như MoMo, ZaloPay đang dần mất đi sức hút thì các ứng dụng ngân hàng lại dần "trỗi dậy", hấp dẫn người dùng với loạt tính năng, tiện ích phong phú.
Ứng dụng ngân hàng không chỉ là công cụ chuyển tiền hay kiểm tra số dư mà dần trở thành nền tảng siêu tiện ích, cung cấp hàng loạt dịch vụ cho người dùng: thanh toán hóa đơn, vay online, gửi tiết kiệm online, đầu tư trực tuyến,…
>> Xem thêm: Ứng dụng ngân hàng 'trỗi dậy', người dùng ngó lơ Fintech