Hưng phấn cùng thị trường chung, hàng loạt cổ phiếu BĐS tăng mạnh trong phiên 1/3

Thị trường chứng khoán tăng mạnh ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3. Nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ bứt phá mạnh mẽ.

Thị trường chứng khoán đón tháng 3 với diễn biến tích cực. Các chỉ số mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 3 với sắc xanh nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index và UPCoM-Index đều giao dịch trong sắc xanh xuyên suốt thời gian của phiên giao dịch. Trong khi đó, HNX-Index có khoảng thời gian ngắn bị kéo xuống mốc tham chiếu nhưng nhanh chóng hồi phục trở lại.

Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép trong phiên 1/3 gây chú ý khi ghi nhận nhiều cổ phiếu bứt phá. Trong đó, VIB tăng trần lên 42.450 đồng/cp sau thông tin sẽ trình tăng vốn thông qua chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ tối đa 40% và phát hành tối đa 46 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới.

Bên cạnh đó, SSI tăng 5,4% lên 35.000 đồng/cp, HCM tăng 6,2% lên 30.950 đồng/cp. Các mã ngành thép như TLH, POM, NKG hay VIS đều được kéo lên mức giá trần, HSG cũng tăng đến 5,7% lên 28.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
VRE, VHM là 2 cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn tăng giá mạnh trong phiên 1/3 với 3,2% lên 34.250 đồng/cp còn VHM tăng 1,4% lên 103.000 đồng/cp. Trong khi đó, NVL chỉ tăng 0,1% lên 79.700 đồng/cp, BCM đứng giá tham chiếu 57.500 đồng/cp, VIC giảm 0,5% xuống 108.500 đồng/cp. THD không còn duy trì được sự bứt phá như ở các phiên trước và chỉ còn tăng 0,1%. Dù mất đi lực đẩy từ THD nhưng HNX-Index vẫn tăng tốt nhờ sự hỗ trợ của SHB, PVS hay IDC.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, rất nhiều mã cũng tăng giá tốt nhờ hưởng lợi từ sự hưng phấn của thị trường chung. Trong đó, EIN, IDV, VRC, NVT, CIG hay DTA đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, PWA tăng 9,8% lên 13.400 đồng/cp, NRC tăng 8% lên 25.600 đồng/cp. Các mã thanh khoản cao như AGG, TIG, CII, FIT, NDN, TCH, FLC… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.

Ở chiều ngược lại, TDH là cái tên hiếm hoi trong nhóm bất động sản có thanh khoản cao giảm giá ở phiên 1/3. Cổ phiếu này chốt phiên mất 5,2% xuống 7.230 đồng/cp và khớp lệnh 5,3 triệu cổ phiếu. Có thời điểm trong phiên TDH bị kéo xuống mức giá sàn. Thông tin khiến cổ phiếu này lao dốc vẫn đến từ việc Cục thuế TP.HCM yêu cầu truy thu ngay 400 tỷ đồng tiền thuế của doanh nghiệp này.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,7 điểm (1,51%) lên 1.186,17 điểm. Toàn sàn có 358 mã tăng, 85 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,15 điểm (1,26%) lên 252,37 điểm. Toàn sàn có 146 mã tăng, 61 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (0,67%) lên 77,15 điểm.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.Nguồn: Fialda.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước với giá trị giao dịch đạt 18.227 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 770 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.970 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 17,4 triệu đơn vị.

Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch, tuy nhiên, giá trị giảm đáng kể so với các phiên liên trước, ở mức hơn 225 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại gồm HDG, KDH, VIC và NVL. Trong khi đó, PDR, VRE và KBC là những mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh. PDR được mua ròng 16,2 tỷ đồng. VRE và KBC lần lượt là 15,6 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tiếp tục tăng điểm tốt hướng đến vùng giá cao nhất tháng 3/2018 là 1.187 và vùng đỉnh giá lịch sử 1.200 - 1.211 với khối lượng giao dịch tiếp tục gia tăng và với khá nhiều mã cho khả năng sinh lợi tốt. Nhiều mã vào xu hướng tăng ngắn hạn mới cũng như nhiều mã vượt vùng đỉnh giá tương ứng VN-Index 1.200 thời điểm tháng 1/2021 như nhóm cổ phiếu dầu khí.

Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn tiếp tục tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với target trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể xem xét chọn lọc các cổ phiếu tăng trưởng, thu hút dòng tiền tốt với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2021 tích cực, nhất là đối với các mã đã vượt được vùng đỉnh cũ khi xảy ra rung lắc, điều chỉnh.

Tuấn Hào

Theo Reatimes