Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt muốn lên sàn

Doanh nghiệp lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) tại nước ngoài thành công sẽ bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

IPO theo “lối tắt”

Khi Vinfast công bố sẽ IPO tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với công ty chuyên mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) Black Spade Acquisition Co thì chủ đề IPO tại nước ngoài càng nóng hơn đối với các doanh nghiệp Việt. Liệu đây có phải là cơ hội để các doanh nghiệp Việt vươn ra với thị trường tài chính thế giới?

Theo ông Marcus Leng - Phó Chủ tịch Công ty CP VBS Capital (doanh nghiệp chuyên huấn luyện, đào tạo, xây dựng lộ trình IPO), để phát hành cổ phiếu ra công chúng tại nước ngoài, bước đầu tiên doanh nghiệp phải nộp hồ sơ, trả lời vô số câu hỏi từ cơ quan quản lý, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt, tiêu tốn khá nhiều chi phí cho các bên tư vấn, bảo lãnh phát hành, luật sư… Vì thế nhiều doanh nghiệp chọn con đường tắt là SPAC. SPAC bản chất là một công ty vỏ bọc do một nhóm nhà đầu tư gọi vốn để thành lập, đã IPO nhưng không có hoạt động kinh doanh.

Ông Marcus Leng - Phó Chủ tịch Công ty CP VBS Capital.
Ông Marcus Leng - Phó Chủ tịch Công ty CP VBS Capital.

Các SPAC giống như “thợ săn”, họ tìm những doanh nghiệp muốn lên sàn theo cách “nhanh gọn” để mua lại. Khi tìm được đối tác mua lại thì diễn ra quá trình "sáp nhập ngược" - tức bán mình cho doanh nghiệp muốn niêm yết, sau một thời gian bán lại vốn, chia lời cho nhà đầu tư.

“Các doanh nghiệp của Việt Nam IPO thông qua SPAC sẽ có rất nhiều thuận lợi. Đây là cơ hội để doanh nghiệp vươn ra thế giới, trở nên lớn mạnh và tiếp cận được nguồn vốn dồi dào từ thị trường vốn ngoại. Các SPAC sẽ hỗ trợ về thủ tục pháp lý, định vị thương hiệu… để doanh nghiệp IPO một cách thuận lợi hơn”, ông Marcus Leng cho hay.

Cơ hội IPO tại Mỹ

Cũng theo ông Marcus Leng, thị trường chứng khoán của Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, lớn gấp nhiều lần thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường này có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư bởi quy mô lớn và tiềm năng sinh lời cao.

Ông Marcus Leng nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay chưa có doanh nghiệp nào niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ. Trong quá khứ, doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên thị trường Nasdaq là Công ty CTCP Cavico Khai thác mỏ (Cavico Mining) vào năm 2009 thông qua SPAC, tuy nhiên năm 2011 công ty này đã bị hủy niêm yết. Như vậy, hình thức SPAC này không còn là mới với doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng tại khu vực và đang thu hút rất nhiều quỹ đầu tư quốc tế tìm đến. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp có thể IPO tại Mỹ giống như Vinfast.

Doanh nghiệp cần xây dựng theo cơ chế vốn hướng tới mục tiêu IPO, chuẩn hóa sản phẩm, tuân thủ pháp luật của nước sở tại… là những điều điều giúp doanh nghiệp được đánh giá cao khi muốn IPO tại nước ngoài, nhất là thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên thiết kế lộ trình “từ điểm đến ngược về điểm xuất phát” nhằm tạo thành cơ chế hoạt động vòng khép kín. Với lộ trình này, doanh nghiệp sẽ bảo đảm được các tiêu chí về chất lượng, thương hiệu và chủ động xử lý các mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn. Tức là sẽ mua lại đơn vị cung ứng nguyên liệu rồi chế biến và phân phối… nhằm tạo giá trị cao hơn cho sản phẩm đầu ra bằng quy trình giám sát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Hiện có khoảng 15 ngành mà thị trường Mỹ ưu tiên khi doanh nghiệp muốn SPAC, trong đó, các ngành mà Việt Nam có lợi thế như công nghệ sinh học, dược phẩm, hàng tiêu dùng, y tế, chăm sóc sức khỏe, gaming…

Duy Lộc

Theo Doanh nghiệp Việt Nam