Hưởng “lợi” từ cơ cấu nợ xấu, Vinalines báo lãi lớn 2.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Ngành vận tải biển cất cánh từ đầu năm 2021, thêm việc hưởng lợi từ cơ cấu các khoản nợ tại công ty con, Vinalines đang dần lấy lại vị thế của một Tổng công ty trong ngành hàng hải.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, nhắc đến ngành cảng biển, vận tải biển, là đính kèm với câu “ngành vận tải biển khởi sắc”, do vậy, đến thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành vận tải biển bất ngờ tăng mạnh không còn quá bất ngờ với các nhà đầu tư.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp vận tải biển, bốc xếp và dịch vụ hàng hải do Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải quản lý. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 8/2020.

Vinalines vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với nhận xét đầu tiên khi mở BCTC là một doanh nghiệp nhiều tiền. Tiền và tương đương tiền đến 30/6/2022 đạt 2.677 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó để gần 1.800 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng lãi suất không kỳ hạn, hơn 870 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn dưới 3 tháng và hơn 6.000 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3 đến 12 tháng. Tổng tiền đi gửi ngân hàng dạng có kỳ hạn gần 6.900 tỷ đồng. Nhờ vậy doanh thu tài chính trong quý, mà chủ yếu là thu lãi tiền gửi tăng. Có lẽ ấn tượng “nhiều tiền” tại Vinlines khác hẳn với suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư khi nhắc đến cái tên Vinalines – công ty từng gắn liền với những con số nợ khủng, chủ yếu đến từ các công ty con. Trên các BCTC những năm trước đó, kiểm toán luôn đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến những khoản nợ, mà phần lớn từ các công ty con. 

Tiền nhiều, nhưng Vinalines cũng đi vay nhiều, tuy vậy vẫn giảm nhiều so với thời điểm đầu năm. Dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đến 30/6/2022 giảm được 1.000 tỷ đồng so với đầu kỳ, còn gần 2.300 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm được hơn 300 tỷ đồng, xuống còn 1.927 tỷ đồng. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn còn xấp xỉ 4.200 tỷ đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho chi phí tài chính trong quý giảm.

Hưởng “lợi” từ cơ cấu nợ xấu, Vinalines báo lãi lớn 2.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1

Kết quả kinh doanh cụ thể trong quý 2, doanh thu thuần tăng 15,5% lên mức 3.964 tỷ đồng, trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn bỏ ra lại thấp hơn, chỉ 10,9% dẫn tới lợi nhuận gộp thu về đạt 1.245 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu của Vinalines, doanh thu từ hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hoá đạt 2.017 tỷ đồng, đóng góp 51% vào tổng doanh thu. Doanh thu từ hoạt động vận tải đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng doanh thu và tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Còn lại là doanh thu từ cho thuê văn phòng, kho bãi, xây lắp, dịch vụ…

Đáng chú ý quý 2 vừa qua Vinalines ghi nhận khoản thu nhập khác 616 tỷ đồng trong đó có 449 tỷ đồng chênh lệch mua bán nợ qua DATC tại Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông và 151 tỷ đồng do các ngân hàng xoá nợ trong đợt cơ cấu lại  các khoản nợ tại Ngân hàng thương mại (trong đó CTCP Vận tải biển Việt Nam là 90,1 tỷ đồng và CTCP Vận tải biển Vinaship là 61,3 tỷ đồng). Trừ chi phí khác hơn 28 tỷ đồng, dẫn tới khoản mục lợi nhuận khác quý 2 ghi dương 588 tỷ đồng – gấp 11 lần cùng kỳ - đây cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến lợi nhuận quý 2 của Vinalines. Kết quả, quý 2 Vinalines lãi trước thuế 1.620 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.434 tỷ đồng, gần gấp đôi so với số lãi 736 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái.

Hưởng “lợi” từ cơ cấu nợ xấu, Vinalines báo lãi lớn 2.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 2

Trên thực tế, khoản mua bán nợ qua DATC tại Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông vẫn đang là vấn đề được nhắc tới nhiều lần trên BCTC kiểm toán những năm gần đây của Vinalines trong mục cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ bắt đầu từ năm 2017. Còn BCTC kiểm toán năm 2016 đã ghi nhận nợ ngắn hạn của Tổng công ty và các công ty con đã vượt quá tài sản ngắn hạn, kiểm toán còn không thu thập đầy đủ bằng chứng về tính phù hợp của giả định hoạt động liên tục được  sử dụng trong việc lập BCTC của một số công ty con. Trong đó một số công ty con chiếm phần đáng kể trong tổng tài sản và tổng nợ phải trả của Tổng công ty, danh sách ghi nhận có tên của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông. Đối với vấn đề này, Ban lãnh đạo Vinalines nhận định rằng Tổng công ty và các công ty con này sẽ tiếp tục hoạt động và các công ty con sẽ thực hiện tái cơ cấu toàn diện bao gồm việc thoả thuận với bên cho vay về việc tái cơ cấu các khoản vay đến hạn và khả năng Tổng công ty và các công ty con tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về nặt tài chính của chủ sở hữu để duy trì hoạt động SXKD và thanh toán các khoản nợ. Báo cáo cũng ghi nhận, Tổng công ty và các công ty con đã và đang thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu, bao gồm chủ trương thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết.

Hưởng “lợi” từ cơ cấu nợ xấu, Vinalines báo lãi lớn 2.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 3

(Ảnh: Trích nội dung ý kiến kiểm toán trên BCTC kiểm toán năm 2016 của Vinalines)

Trở lại với kết quả kinh doanh hiện tại, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu Vinalines đạt 7.228 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trừ chi phí vốn, lãi gộp đạt 2.143 tỷ đồng. Trong kỳ doanh thu tài chính giảm 13% về mức 275 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 12,5% về mức 241 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp 515 tỷ đồng. Và đặc biệt khoản lợi nhuận khác 728 tỷ đồng, gần gấp 11 lần cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng Vinalines lãi trước thuế 2.395 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.123 tỷ đồng, tăng 97% so với số lãi 1.078 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái. Đây cũng là số lãi kỷ lục Vinalines đạt được trong nhiều năm trở lại đây. Số lãi lớn này cũng giúp Vinalines giảm lỗ luỹ kế đến 30/6/2022 xuống dưới nghìn tỷ - còn âm 028 tỷ đồng. Trong khi đó “của để dành” của Vinalines vẫn còn 1.625 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, gần 90 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu và 11 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Năm 2021 Vinalines cũng đã báo lãi lớn với doanh thu đạt 13.269 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 3.200 tỷ đồng - từng bước giảm lỗ luỹ kế. 

Hưởng “lợi” từ cơ cấu nợ xấu, Vinalines báo lãi lớn 2.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 4

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống