Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giảm chi phí logistics

Sáng 8/6, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giảm chi phí logistics - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, chi phí logistics rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, muốn giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Đại biểu lấy ví dụ ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi sửa chữa thì số lần cất cánh, hạ cánh ít hơn trước khi sửa. Trước khi sửa trung bình một giờ có thể có 44-46 lần cất hạ cánh, hiện nay giảm chỉ còn 40-42 lần.

“Chúng ta bỏ ra mấy nghìn tỷ để nâng cấp đường băng mà số lượng cất, hạ cánh lại giảm đi. Đấy là một sự điều tiết không đúng", ông Hiếu đề nghị Bộ trưởng lưu ý hơn trong việc giảm chi phí logistics cho Việt Nam.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế, chi phí logistics đều được so sánh với GDP.

Năm 2022 ở mức 16,8% GDP - cao so với bình quân chung trên thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ này đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 là 16-20%.

Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. "Đây là kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết Bộ sẽ tiếp tục cố gắng, phối hợp các bộ ngành tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ như các cảng cạn, trung tâm logistics.

Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cũng thông tin, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh các phương vận tải đa phương thức.

Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã ban hành 4 quy hoạch; chỉ còn quy hoạch về cảng hàng không Bộ Giao thông vận tải đã trình lấy ý kiến hoàn tất thủ tục và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có 5 quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tính toán phương án kết nối đầu tư giữa các vùng.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng.

Đồng thời, Bộ sẽ chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội.

Duy Khánh

Theo Kinh doanh và Phát triển