Kênh đào 200 năm tuổi hơn 80.000 nhân công thực hiện sứ mệnh 'cứu đói' cho 2 tỉnh giàu có bậc nhất châu thổ sông Mekong
Hiếm có công trình thủy nông nào giữ được nhiều giá trị và vai trò quan trọng như kênh này. Kênh được ví như một hào nước khổng lồ, bảo vệ biên giới quốc gia và đảm nhiệm tưới tiêu cho một vùng châu thổ.
Hiếm có công trình thủy nông nào giữ được nhiều giá trị và vai trò quan trọng như kênh này. Kênh được ví như một hào nước khổng lồ, bảo vệ biên giới quốc gia và đảm nhiệm tưới tiêu cho một vùng châu thổ.
Kênh đào Vĩnh Tế, được xây dựng cách đây khoảng 200 năm cho đến nay vẫn là kênh đào lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kênh Vĩnh Tế là một công trình quan trọng với chiều dài 87km, chạy qua hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Kênh đào này được khởi công vào thời nhà Nguyễn, dưới triều đại vua Minh Mạng. Năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long ra lệnh đào kênh từ Châu Đốc thông ra biển Hà Tiên. Bảo hộ Thoại Ngọc Hầu, lúc này là Trấn thủ Vĩnh Thanh, được giao nhiệm vụ chỉ huy công trình.
Kênh đào được thực hiện bởi hơn 80.000 nhân công trong suốt 5 năm, với tổng cộng gần 3,5 triệu ngày công và hơn 2,8 triệu m3 đất được đào lên. Đây là một kỷ lục đáng kinh ngạc trong ngành xây dựng thời bấy giờ. Công trình bắt đầu thi công vào tháng Chạp năm 1819, với hàng vạn quân và dân phu được huy động, chia làm ba đợt. Đến tháng 5/1824, kênh đã hoàn thành, với độ sâu trung bình khoảng 2,55m. Ngoại trừ những đoạn sông rạch có sẵn, đoạn kênh phải đào mới là 37km.
Công việc đào kênh diễn ra thâu đêm suốt sáng, đầy gian khổ và cơ cực, với nhiều sơn lam chướng khí và thiếu thốn. Cuối cùng, sau rất nhiều gian nan và thiệt hại nhân mạng do bệnh tật, kiệt sức và thú dữ, kênh Vĩnh Tế đã hoàn thành.
Hiếm có công trình thủy nông nào giữ được nhiều giá trị và vai trò quan trọng như kênh Vĩnh Tế. Kênh này được ví như một hào nước khổng lồ, bảo vệ biên giới quốc gia ở phía Tây Nam. Dưới thời vua Minh Mạng, công trình này đã góp phần ngăn chặn bước tiến của quân Xiêm La.
Kênh Vĩnh Tế cũng có vai trò tưới tiêu vô cùng quan trọng. Dù nằm dọc biên giới, nó là trục nước chính dẫn nước từ sông Mê Kông vào nội đồng phía Tây Nam. Đến nay, kênh vẫn giữ nhiệm vụ tưới tiêu cho khoảng 144.000ha đất nông nghiệp ở An Giang. Ngoài ra, kênh còn là một trong những nơi đầu tiên đón lượng lũ lớn từ sông Mekong, mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào phục vụ đời sống người dân địa phương.
Sau 200 năm, kênh Vĩnh Tế ngày càng trở nên nhộn nhịp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và giao thương giữa hai tỉnh giàu có top đầu miền Tây. Hiện nay, đầu kênh nơi hợp lưu với sông Châu Đốc, thuộc trung tâm thành phố Châu Đốc (An Giang), là một đô thị biên giới sầm uất và thu hút đông đảo khách du lịch. Từ Châu Đốc xuôi dòng Vĩnh Tế xuống hạ lưu sông Giang Thành (Kiên Giang), một bên là biên giới Việt Nam - Campuchia, một bên là quốc lộ N1 luôn tấp nập xe cộ qua lại, dưới kênh là các ghe thương hồ chở lúa và nông sản quanh năm sầm uất.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị từng chia sẻ: "Đó là một kỳ tích của triều Nguyễn. Không chỉ về kinh tế, giao thương, tạo sinh kế cho người dân, kênh Vĩnh Tế còn là phòng tuyến đường thủy án ngữ dải biên giới Tây Nam, chứng kiến cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân vùng biên." Đặc biệt, sau năm 1975, công trình kỳ vĩ này của triều Nguyễn còn góp phần rất lớn vào công cuộc khai thác Tứ giác Long Xuyên.