Khánh Hòa tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao

Trong thu hút đầu tư, tỉnh Khánh Hòa cho hay kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Khu kinh tế Vân Phong.
Khu kinh tế Vân Phong.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2023.

Theo đó, năm 2023, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch ...

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút các dự án hạ tầng khu công nghiệp và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Địa phương này cũng ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng có nguy cơ ô nhiễm môi trường...

Về đối tác, tỉnh Khánh Hòa tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA, ...) như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. ...

Trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung phát triển kinh tế biển, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng thời, tập trung phát triển du lịch biển trở thành kinh tế mũi nhọn, gồm: du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng... Phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia, khu vực Bắc Vân Phong là đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, liên kết khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối, trong đó: Phát triển cảng biển Khánh Hòa theo quy hoạch là cảng biển loại I gồm các khu bến có quy mô lớn như: Khu bến Bắc Vân Phong, khu bến Nam Vân Phong, khu bến Nha Trang, Khu bến Cam Ranh, Bến cảng huyện đảo Trường Sa.

Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết phát triển khu vực Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên và Đắk Lắk - Khánh Hòa, gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Lấy thành phố Nha Trang, Khu kinh tế Vân Phong, thành phố Cam Ranh, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và các trường đại học, viện nghiên cứu có thế mạnh về kinh tế biển, y tế dự phòng, du lịch làm nền tảng để phối hợp, gắn kết với các địa phương trong và ngoài vùng, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, kết nối du lịch, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, huy động và phân bổ nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance