Khối ngoại bán ròng kỷ lục 9.100 tỷ đồng, GEX bất ngờ hút dòng tiền
Khối ngoại bán ròng hơn 9.100 tỷ đồng trong tuần giao dịch đầy biến động, khiến VN-Index thủng liên tiếp các mốc hỗ trợ quan trọng. Dù vậy, GEX bất ngờ trở thành điểm sáng hiếm hoi khi dẫn đầu danh sách mua ròng, thu hút gần 478 tỷ đồng từ nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua ghi nhận những phiên giao dịch đầy biến động, đặc biệt là phiên giảm sâu khiến VN-Index mất hơn 80 điểm chỉ trong một ngày. Sau ba phiên đầu tuần giao dịch khá giằng co, đà giảm mạnh bắt đầu từ phiên 3/4, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam, cùng với các biện pháp thuế quan tương tự dành cho nhiều quốc gia khác.
VN-Index phản ứng tiêu cực, xuyên thủng liên tiếp các ngưỡng hỗ trợ quan trọng tại 1.300 và 1.200 điểm. Phải đến phiên chiều 4/4, khi lực cầu bắt đáy từ nhà đầu tư nội quay trở lại, chỉ số mới tạm thời giữ được ngưỡng 1.200 điểm, kết phiên tại mốc 1.210 điểm.
Góp phần gia tăng áp lực bán trên thị trường là hoạt động rút ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, với giá trị bán ròng lên tới hơn 9.100 tỷ đồng trong 5 phiên liên tiếp. Đáng chú ý, lực bán tập trung chủ yếu trong hai phiên 3/4 và 4/4, lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 2.700 tỷ đồng và 1.732 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 8.600 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 2.000 tỷ đồng của tuần trước. Trong khi đó, sàn HNX có diễn biến tích cực hơn khi ghi nhận lực mua ròng 26,5 tỷ đồng trong phiên cuối tuần (4/4). Ngược lại, UPCoM tiếp tục chịu áp lực bán, đặc biệt là phiên 2/4 với giá trị bán ròng đạt 36,25 tỷ đồng.
Xét riêng các mã cổ phiếu, FPT và MBB là hai cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong tuần, lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 1.138,9 tỷ đồng và 1.151,1 tỷ đồng. Theo sau là loạt cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng như SSI (-834,1 tỷ đồng), TPB (-750,4 tỷ đồng), VCB (-713,5 tỷ đồng), ACB (-613,6 tỷ đồng), STB (-412,8 tỷ đồng), TCB (-387,2 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng cũng ghi nhận lực bán đáng kể từ nhà đầu tư nước ngoài, gồm VNM (-574 tỷ đồng), MWG (-283,5 tỷ đồng), FRT (-257,2 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, GEX là điểm sáng hiếm hoi khi dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị lên tới 477,8 tỷ đồng. VRE tiếp tục duy trì sức hút với dòng vốn ngoại, ghi nhận giá trị mua ròng hơn 258 tỷ đồng. Các mã còn lại trong top mua ròng bao gồm VIX (160,9 tỷ đồng), SHB (81,9 tỷ đồng), HVN (68,8 tỷ đồng), VHM (68,4 tỷ đồng), APG (28,4 tỷ đồng), VCG (20 tỷ đồng), BAF (19,1 tỷ đồng), VIC (18,5 tỷ đồng), BMP (16,5 tỷ đồng) và BVH (15,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, ngoại trừ các mã dẫn đầu như GEX, VRE và VIX, dòng tiền ròng từ khối ngoại đổ vào phần lớn còn lại vẫn ở mức tương đối khiêm tốn.
Trước đà bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, trong ngày 4/4, ông Hà Duy Tùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) lý giải diễn biến thị trường chịu tác động từ chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Diễn biến này có thể còn tiếp diễn, phụ thuộc vào chính sách thực thi tại Mỹ và phản ứng điều hành ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo ông, thời gian qua không xảy ra tình trạng bán ròng bất thường của khối ngoại. Ông dẫn chứng, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng giá trị bán ròng chỉ chiếm khoảng 1,9% danh mục của khối ngoại, một tỷ lệ tương đối nhỏ.
Chia sẻ thêm về việc khối ngoại bán ròng trong quý I/2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự thay đổi – “lúc rút ra, lúc rót vào”. Lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải, sự thay đổi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như chiến lược, chính sách của từng quỹ hay tác động tâm lý.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá chỉ số VN-Index đã đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn. Nhịp phục hồi gần đây về vùng trendline cũ quanh mốc 1.220 điểm được xem là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, giảm tỷ trọng cổ phiếu và tiếp tục duy trì trạng thái thận trọng trong bối cảnh thị trường thiếu động lực tăng trưởng rõ ràng.
Thông tin đáng chú ý trong tuần tới là kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ, dự kiến được công bố vào ngày 9/4, cùng với quyết định liên quan đến khả năng nâng hạng thị trường của Việt Nam từ FTSE.
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, VNDIRECT khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) để bắt đáy, đồng thời chủ động điều chỉnh cơ cấu tài sản theo hướng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt. Các vùng hỗ trợ và kháng cự ngắn hạn được xác định tại 1.170 điểm và vùng 1.220–1.240 điểm.
Hiện tại, thị trường Việt Nam đang giao dịch với mức định giá P/E ở khoảng 12,2 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm là 16,2 lần.