Khối nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhiều ‘đại gia’ bất động sản sắp đến hạn thanh toán

FiinRatings (thuộc FiinGroup) vừa công bố báo cáo liên quan đến thị trường trái phiếu Việt Nam. Theo đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn vào 2 – 3 năm tới là khoảng 138.000 tỉ đồng.

Theo số liệu thống kê của FiinRatings, tính đến cuối năm 2021 tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản lên đến 189.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, có khoảng 73% giá trị này (138.000 tỷ đồng) sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024).

Khoảng 138.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn vào 3 năm tới.  
Khoảng 138.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn vào 3 năm tới.  

Đặc biệt, trong những ngày qua, một số trường hợp vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được các cơ quan quản lý ra quyết định xử lý, cùng với đó là thông điệp từ Chính phủ trong việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Nổi bật chính là vụ hủy các lô trái phiếu hơn 10.000 tỉ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

FiinRatings cho biết, điều này không chỉ tạo áp lực trả nợ lớn hơn lên các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh hậu COVID-19, mà còn tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là các định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng.

Ngoài ra, áp lực trả nợ này có thể tác động đến rủi ro của thị trường cổ phiếu, do cổ phiếu được cầm cố để làm đảm bảo cho trái phiếu, hoặc được cầm cố để lấy nguồn mua trái phiếu chất lượng thấp, có vấn đề như các cơ quan quản lý đã chỉ ra.

Cũng theo số liệu của FiinRatings, dư nợ vay bằng ngoại tệ bao gồm trái phiếu của riêng các doanh nghiệp bất động sản niêm yết Việt Nam hiện ở mức khoảng 4 tỷ USD.

“Đây là một con số không lớn xét trên quy mô tín dụng của ngành bất động sản (hiện ở mức 7,04% tổng dư nợ tín dụng), cũng như rủi ro an toàn tài chính quốc gia. Nhưng những tác động từ rủi ro tín dụng bất động sản có thể làm cho mức điểm xếp hạng quốc gia của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế, và của tất cả các ngành còn lại có thể bị ảnh hưởng”, FiinRatings nhận định.

Khối nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhiều ‘đại gia’ bất động sản sắp đến hạn thanh toán - Ảnh 1

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của FiinGroup, các sự kiện gần đây khả năng sẽ không có tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, số liệu từ FiinRatings cho thấy các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) qua kênh phát hành sơ cấp ở mức khá lớn, chiếm 36% năm 2021 trong tổng giá trị phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản.

Khối nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhiều ‘đại gia’ bất động sản sắp đến hạn thanh toán - Ảnh 2

Vào thời điểm cuối năm 2021, quy mô tín dụng trái phiếu ở mức 273.900 tỷ đồng tức chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, các sự kiện hiện nay có khả năng sẽ không có tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.

Ở góc độ chất lượng tín dụng ngân hàng, chuyên gia kỳ vọng quy mô này có thể được duy trì hoặc tiếp tục tăng nhưng có sự chọn lọc ở những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản tốt hơn (nợ xấu dưới 3 theo đánh giá của NHNN).

Ngoài ra có mức độ tín dụng phân bổ cho ngành bất động sản vẫn ở mức thấp theo các quy định của NHNN nói chung và những yêu cầu cụ thể của Thông tư 16 đã đi vào hiệu lực gần đây từ 15/1/2022.

TH

Theo Kinh doanh & Phát triển