Khối tài sản ‘khủng’ của doanh nhân Trầm Bê tại Sacombank (STB) đang ra sao?
Trên danh nghĩa, ông Trầm Bê và những người liên quan vẫn đang nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu STB (Sacombank).
Một năm trước, giữa tháng 2/2023, giới thương nhân “đón” một đại gia quay lại sau 7 năm vắng bóng – doanh nhân Trầm Bê. Thời điểm đó, nhiều đồn đoán về những việc làm đầu tiên của ông Trầm Bê sau 7 năm ngồi tù, về cách mà ông tái xuất thương trường.
Câu trả lời nhanh chóng có được sau vài tháng, 99% cổ đông tán thành, ông quay lại HĐQT bệnh viện Triều An – nơi ông khởi đầu trước khi gia nhập giới tài chính năm 2004.
Dưới sự điều hành của ông Trầm B, bệnh viện Triều An ghi nhận sự cải thiện hẳn về doanh thu so với năm 2022, trong đó doanh thu quý I đạt hơn 140 tỷ đồng, tăng 25% và lãi gấp 9 lần cùng kỳ, lên hơn 19 tỷ đồng;
Quý II/2023 cũng đạt gần 149 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ và lợi nhuận hơn 9 tỷ đồng, giảm 23%. Còn quý IV vừa qua bệnh viện báo doanh thu tăng 17% lên 189 tỷ đồng nhưng lại kinh doanh thua lỗ 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 11 tỷ đồng), chủ yếu do gia tăng chi phí tài chính.
Khối tài sản “khủng” của gia tộc Trầm Bê tại Sacombank gồm những gì
Quay trở lại với câu chuyện của ông Trầm Bê trong giới tài chính trước khi dính vòng lao lý. Tham gia giới tài chính từ năm 2004 từ việc gia nhập thành viên HĐQT ngân hàng Phương Nam (SoutherBank), ông Trầm Bê cùng cùng các con và “nhóm” của mình đã gây dựng Phương Nam lớn mạnh.
Năm 2012, thương vụ thâu tóm, lật đổ đế chế Đặng Văn Thành tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) thành công, ông Trầm Bê cùng con trai út Trầm Khải Hòa ghi tên vào Hội đồng quản trị, trong đó ông Trầm Bê là Phó Chủ tịch.
Tuy vậy thời đại của ông Trầm Bê tại Sacombank khá ngắn, chỉ khoảng 5 năm. Trong thông báo phát đi tháng 2/2017 của NHNN đã xác nhận ông Trầm Bê và con trai Trầm Khải Hòa không còn tham gia vào HĐQT Sacombank từ thời điểm đó. Thời đại của đại gia Dương Công Minh tại Sacombank bắt đầu từ đây.
Cũng trong năm 2017, ông Trầm Bê dính vòng lao lý, bị kết án 7 năm tù liên quan đại án Phạm Công Danh.
Dù không còn điều hành, lại qua thời gian 7 năm tù, tuy vậy trên danh nghĩa, tại Sacombank, gia tộc Trầm Bê còn rất nhiều cổ phần. Đây cũng là “nút thắt” bao năm qua Sacombank chưa thể gỡ.
Báo cáo quản trị Sacombank cập nhật đến 30/6/2017 ghi nhận ông Trầm Bê không còn là thành viên HĐQT Sacombank từ ngày 23/2/2017. Số cổ phiếu STB mà ông Trầm Bê và những người trong gia đình đang nắm giữ khá "khủng".
Tổng cộng ông Trầm Bê cùng 3 người con Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa, và con rể Lê Trọng Trí đang nắm giữ gần 179,3 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỷ lệ 9,51%. Tạm tính theo giá cổ phiếu STB hiện tại quanh mức 30.000 đồng/cổ phiếu, thì khối tài sản này có giá trị khoảng 5.300 tỷ đồng.
Tên | Mối quan hệ | Số cổ phiếu | Tỷ lệ |
Trầm Bê | 27.650.619 | 1,467% | |
Trầm Trọng Ngân | Con trai | 89.182.687 | 4,731% |
Trầm Thuyết Kiều | Con gái | 27.046.050 | 1,435% |
Trầm Khải Hòa | Con trai | 33.348.285 | 1,769% |
Lê Trọng Trí | Con rể | 2.067.853 | 0,11% |
Tổng | 179.295.494 | 9,512% |
Tuy vậy trên thực tế, việc “chuyển giao” cổ phần trên của gia tộc Trầm Bê đã phát sinh từ năm 2015. Cụ thể, năm 2015, vấn đề sáp nhập SourtherBank lúc đó đang kinh doanh bết bát vào Sacombank được đưa lên bàn nghị sự. Một đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được hình thành trên cơ sở đề nghị của 2 ngân hàng.
Một trong những nội dung của đề án sáp nhập này, là việc ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan cam kết “ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn” cho ngân hàng Nhà nước (NHNN) toàn bộ số cổ phiếu mà ông và người có liên quan nắm giữ tại ngân hàng Phương Nam, Sacombank và số cổ phiếu Sacombank sau sáp nhập.
Cùng với đó, ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người liên quan không đủ, sẽ bổ sung thêm các tài sản khác.
Ngoài ra, theo đề án, sau sáp nhập, ông Trầm Bê và con trai đã từ nhiệm các chức danh tại HĐQT Sacombank. NHNN cũng đã có quyết định chấm dứt vai trò điều hành của ông Trầm Bê và Trầm Khải Hòa tại Sacombank.
“Nút thắt” giúp Sacombank không chia cổ tức
Mới đây nhất, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng Sacombank, cổ đông bức xúc khi nhiều năm liền không được nhận cổ tức trong khi ngân hàng lãi hàng nghìn tỷ đồng; chất vấn tại sao vẫn trích quỹ khen thưởng, phúc lợi trong khi cổ tức thì bị “lờ” đi?
Trả lời chất vấn này, lãnh đạo Sacombank cho thừa nhận kết qủa kinh doanh của ngân hàng cải thiện tích cực, giá trị cổ phiếu tăng đáng kể. Tuy nhiên Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu nên chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định để chia cổ tức. Cụ thể là việc xử lý cổ phiếu STB thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và người có liên quan để thu hồi nợ.
Sacombank cho biết đã trình NHNN phương án xử lý theo hình thức mua lại để bán đấu giá. Theo phương án đó, Sacombank sẽ mua lại các khoản nợ đã bán VAMC để xử lý theo hình thức đấu giá. Sau khi hoàn tất việc xử lý cổ phiếu và được NHNN cho phép, ngân hàng mới triển khai phương án chia cổ tức.
Vậy Đề án tái cơ cấy sau sáp nhập của Sacombank sẽ kéo dài đến bao lâu? Đây cũng là thời điểm gỡ “nút thắt” về cổ tức và số cổ phiếu STB mà ông Trầm Bê và những người liên quan đang “ủy quyền” cho NHNN?
Báo cáo của Sacombank ghi nhận, đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín có thời gian đết hết năm 2025.
Về tình hình kinh doanh, từ 2017 đến nay Sacombank đều báo tăng trưởng về lợi nhuận. Tổng lãi sau thuế từ 2017-2023 đạt hơn 24.200 tỷ đồng.
"Của để dành" của Sacombank có 20.386 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2023. Ngoài ra ngân hàng còn có hơn 1.700 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần...