Khốn khổ bán hàng ở tòa nhà tranh chấp
Hàng loạt xe của cư dân căng băng rôn, tập trung trước cửa trung tâm thương mại Discovery Complex Cầu Giấy (Hà Nội), khiến các cửa hàng kinh doanh tại đây chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cầm cự kinh doanh
Mặc dù áp dụng chương trình giảm giá toàn bộ mặt hàng, nhiều cửa hàng tại Trung tâm Thương mại Discovery Complex Cầu Giấy vẫn phải đối mặt với tình trạng vắng khách nghiêm trọng. Một nhân viên tại cửa hàng ở tầng 1 cho biết, cửa hàng vẫn "cố gắng trụ lại" chỉ với mục đích duy trì kho hàng phục vụ cho các chi nhánh khác.
"Chúng tôi muốn chuyển đi lắm rồi, bán không có khách, có những ngày liên tiếp không có ai tới mua. Cửa hàng hiện đang phải trả gần 100 triệu đồng cho 3 lô mặt bằng ở tầng 1, trong đó một lô được sử dụng làm kho hàng", nhân viên này chia sẻ. Dù vậy, họ vẫn chưa thể rời đi do kho hàng tại đây là trung tâm phân phối cho các cơ sở còn lại.
Cũng theo thông tin từ các nhân viên kinh doanh, dù đã có nhiều chủ cửa hàng tìm đến để thuê mặt bằng, hầu hết đều bỏ cuộc sau khi tìm hiểu tình hình kinh doanh của các cửa hàng lân cận. Một số thậm chí đã hoàn tất hợp đồng và chuẩn bị khai trương nhưng sau đó cũng "bỏ chạy". Trước đây, nhân viên phải đứng cả ngày để tiếp khách, nhưng giờ đây không có ai. Đối với những bạn nhân viên là sinh viên, chủ cửa hàng còn cho phép mang tài liệu học tập đến làm khi rảnh rỗi.

Anh Hưng, một cư dân sống tại TTTM, cho biết, sự ra đi của thương hiệu Lotte tại tầng hầm vào cuối tháng 12/2024 đã khiến lượng khách đến trung tâm thương mại giảm đáng kể. Khu vực ẩm thực và vui chơi bị thu hẹp, khiến nhiều cư dân cảm thấy hụt hẫng. Thay vì xuống tầng 1 để tận hưởng dịch vụ, giờ đây người dân đều phải di chuyển sang các TTTM khác.
Cùng với đó, một số chủ cửa hàng tại tầng 1 bức xúc trước sự thay đổi liên tục của giá dịch vụ, khiến họ phải điều chỉnh kế hoạch tài chính. Một chủ cửa hàng cho biết, dù đã chấp nhận chi trả thêm tiền, nhưng chất lượng dịch vụ nhận lại không như mong đợi. Hiện nay, lượng khách đã giảm mạnh, đặc biệt sau khi hàng loạt chủ kinh doanh rời đi.
Theo quan sát, việc người dân căng băng rôn đòi quyền lợi đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng và điều đó đã tác động trực tiếp tới các cơ sở kinh doanh tại đây. Thậm chí, khi cư dân chặn xe và căng băng rôn quanh tòa nhà, nhiều chủ cửa hàng đã có những tranh cãi với cư dân vì tình trạng này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Liệu TTTM có thể “tái sinh”?
Lý giải về sự vắng vẻ khi các chủ kinh doanh đồng loạt rời mặt bằng, đại diện bộ phận cho thuê mặt bằng giải thích: “Hiện tại, do trung tâm đang bảo trì hệ thống, phòng cháy chữa cháy nên dẫn tới tình trạng vắng vẻ như vậy, dự định sẽ khởi động trở lại vào năm 2026, các lô mặt bằng tại đây có giá thuê dao động từ 15 - 17 USD/m2, tương đương 27,3 triệu đồng đến 30,9 triệu đồng cho một lô mặt bằng diện tích 70m2.
Về sự việc nhiều khách thuê bỏ đi, đại diện của Kinh Đô TCI Group - chủ đầu tư TTTM Discovery Complex Cầu Giấy cho biết, sự phát triển của thương mại điện tử đã ảnh hưởng tới số lượng khách hàng tới trực tiếp TTTM. Bên cạnh đó, nền kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng phần nào thắt chặt hơn trong việc chi tiêu. Vị đại diện trên nhìn nhận, các TTTM đã có từ lâu đang phải cạnh tranh với các dự án mới. Việc thu hút khách tới TTTM cần kết hợp giữa ẩm thực hiện đại, khu mua sắm và khu giải trí, vui chơi cho người tiêu dùng.

Chia sẻ với PV VietnamFinance, ông Bắc (cư dân) sống tại toà nhà cho biết: “Tôi mong muốn chủ đầu tư quan tâm hơn đến cơ sở vật chất, tâm tư của những cư dân đang sinh sống trong tòa nhà, đồng thời cải thiện các dịch vụ thương mại tại TTTM, đề ra những chính sách hấp dẫn để thu hút các thương hiệu về kinh doanh, điều này sẽ đáp ứng nhu cầu, mong muốn của cư dân, thúc đẩy kinh tế tại TTTM”.