Không còn nhiều DN hấp dẫn, SCIC liên tục thoái vốn bất thành
Trong nửa đầu năm 2024, website của SCIC thông báo thoái vốn tại 7 doanh nghiệp thông qua chào bán cạnh tranh và đấu giá. Tuy nhiên, SCIC đã phải dừng thực hiện thoái vốn tại 6 doanh nghiệp trong số đó vì không có, hoặc không đủ số lượng nhà đầu tư tham gia.
Liên tục thoái vốn bất thành
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa thông báo không tổ chức phiên chào bán cạnh tranh cổ phần của Công ty Cổ phần Sách Việt Nam (Savina, UPCoM: VNB) do SCIC sở hữu. Nguyên nhân vì không có nhà đầu tư đăng ký tham dự, phiên chào bán cạnh tranh cổ phần của công ty không đủ điều kiện để tổ chức.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2024 SCIC thoái vốn bất thành tại Savina. Được biết, tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này là 10%, tương đương gần 6,8 triệu cổ phần
Savina được biết đến với vai trò là công ty con của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), trong đó tỷ lệ sở hữu của Vingroup đạt 65%.
Savina được đánh giá có nhiều lợi thế thu hút nhà đầu tư như là một trong những doanh nghiệp xuất bản, in ấn và kinh doanh sách báo, văn hoá phẩm đầu tiên, bề dày lịch sự hoạt động hơn 70 năm, kết quả kinh doanh ổn định và quản lý nhiều khu đất có vị trí đắc địa.
Ở thời điểm IPO vào năm 2016, Savina thu hút nhiều nhà đầu tư khi có tới 243 nhà đầu tư đăng ký mua tổng cộng hơn 30 triệu cổ phiếu, gấp đôi lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp này chào bán. Dù vậy, cổ phiếu VNB mà SCIC chào bán cạnh tranh đã liên tục “ế” trong 2 phiên gần đây.
Không chỉ Savina, trong nửa đầu năm 2024, SCIC liên tục thông báo bán vốn hàng loạt doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động thoái vốn nhà nước. Tổng cộng, website của SCIC đã thông báo về việc chào bán cạnh tranh, đấu giá công khai cổ phần và quyền mua cổ phần tại 7 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này bao gồm Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Bắc Kạn, Công ty cổ phần GP9 Hà Nội, Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Công Cộng Bình Dương, Công ty cổ phần ACS Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp TP. Cần Thơ, Công ty Cổ phần Dược Khoa và Savina.
Theo đó, ngoại trừ Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Công Cộng Bình Dương, việc thoái vốn của SCIC tại 6 doanh nghiệp này đều bất thành, các phiên đấu giá và chào bán đều không thể tổ chức do không có, hoặc không đủ nhà đầu tư đăng ký tham gia. Trong đó, 1 số doanh nghiệp đã được SCIC thực hiện thoái vốn nhiều hơn 1 lần nhưng đều bất thành.
Lần thoái vốn thành công gần đây nhất của SCIC được công bố rộng rãi là tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (HNX: VNC) vào cuối năm 2023. Theo đó, giới phân tích đánh giá dù quy mô hoạt động của Vinacontrol không lớn, nhưng lại là miếng bánh hấp dẫn khi tình hình kinh doanh và lợi nhuận cho cổ đông kể từ khi hoạt động đều rất khả quan.
Mục tiêu thoái vốn tại 58 doanh nghiệp có khả thi?
Theo kế hoạch bán vốn của SCIC, trong năm 2024, đơn vị này dự kiến thoái vốn tại 58 doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết.
Hai danh sách thoái vốn được SCIC công bố xuất hiện nhiều tên của các cái tên lớn trên sàn như Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HoSE: NTP), Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT), Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex, UPCoM: SEA), Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UPCoM: VEC), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (UPCoM: VIW), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (HoSE: DMC),
Tuy nhiên, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nêu trên đều chưa được thực hiện trong nửa đầu năm 2024. Trong đó nhiều thương vụ được các nhà đầu tư mong chờ như việc thoái vốn tại NTP và FPT.
Trừ Vinacontrol và Công ty Cổ phần Phim truyện 1 đã thoái vốn từ cuối năm 2023, SCIC còn phải thực hiện thoái vốn tại 49 doanh nghiệp còn lại trong 6 tháng cuối năm. Thời gian này được cho là khá ngắn so với số lượng doanh nghiệp lớn như vậy. Không ngoại trừ khả năng những doanh nghiệp này sẽ tiếp tục xuất hiện ở danh sách thoái vốn dự kiến của SCIC ở những năm sau.
SCIC từng cho biết danh mục thoái vốn hiện nay chỉ còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn.
Các doanh nghiệp bao gồm 37 đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; 34 đơn vị gồm các doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, ngừng hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhỏ, kinh doanh khó khăn…(có một số doanh nghiệp đã bán vốn 6 lần trở lên không thành công); 24 đơn vị phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý, công nợ, quyết toán vốn lần 2 mới đủ điều kiện bán vốn; 4 doanh nghiệp thuộc Thông báo số 281.
Đầu năm 2024, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC từng cho biết, danh mục hiện nay của SCIC không còn nhiều doanh nghiệp hiệu quả (số lượng/giá trị doanh nghiệp tiếp nhận cũng không lớn), giai đoạn tái cơ cấu, bán vốn đã thực hiện được tương đối.
Theo ông, SCIC cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, chuyển đổi mô hình hoạt hộng thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ. Lộ trình phát triển của SCIC cũng tương đối phù hợp với các tổ chức đầu tư chính phủ trên thế giới, như Temasek cũng cần khoảng 20 năm để tái cơ cấu doanh nghiệp, tích lũy vốn.
Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2023, SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng; trong đó tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, xử lý tồn tại của một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn; bán vốn tại 1.054 doanh nghiệp thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn.