Khu vực từng đề xuất xây dựng sân bay quốc tế lớn nhất miền Bắc cách đây 2 thập kỷ giờ ra sao?
Sau 2 thập kỷ kể từ khi ý tưởng xây dựng sân bay quốc tế tại Hải Dương với công suất vượt xa sân bay quốc tế Nội Bài được đề xuất, khu vực này hiện vẫn là những cánh đồng ruộng rộng lớn.
Khoảng 20 năm trước, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam từng đề xuất xây dựng một sân bay quốc tế tại tỉnh Hải Dương, thuộc địa bàn huyện Thanh Miện và huyện Bình Giang, gần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (cao tốc 5B).
Ý tưởng ban đầu là tạo dựng cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn 4F của ICAO, với diện tích 2.000-3.000ha và số vốn đầu tư lên đến vài tỷ USD.
Dự án này dự kiến có sức chứa ban đầu khoảng 25 triệu lượt khách/năm và có thể tăng lên 40-50 triệu lượt trong tương lai, vượt xa công suất của sân bay Nội Bài hiện tại.
Sân bay quốc tế ở Hải Dương hứa hẹn sẽ là điểm đột phá, kết nối khu vực tam giác kinh tế phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, đề xuất này vẫn chỉ nằm trên giấy. Các vấn đề về tính khả thi, nguồn vốn khổng lồ cũng phương án mở rộng sân bay Nội Bài đã khiến dự án không được triển khai.
Hiện nay, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vùng Thủ đô dự kiến sẽ có sân bay thứ hai, nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.
Một số vị trí hiện đang được đề xuất bao gồm các huyện phía Nam Hà Nội như Ứng Hòa, Tiên Lãng (Hải Phòng) và khu vực huyện Thanh Miện, Bình Giang (Hải Dương).
Vùng Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích khoảng 24.314,7km2, bao gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh gồm: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình và Phú Thọ; được xác định sẽ trở thành vùng Kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đến nay, khu vực từng được đề xuất xây dựng sân bay tại Hải Dương vẫn chỉ là những cánh đồng rộng lớn, chủ yếu phát triển nông nghiệp. Nếu dự án sân bay lớn nhất miền Bắc này được triển khai, đây sẽ là bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế của Hải Dương và cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ.