Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cuộc cách mạng 'thay da đổi thịt' với các nhà thầu
Nhấn mạnh Việt Nam chưa bao giờ thực hiện dự án nào có vốn và quy mô lớn như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng đây là cuộc cách mạng 'thay da đổi thịt' đối với các nhà thầu xây dựng.
Theo dự kiến, chiều nay (20/11), Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, sau khi nhận được sự thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8.
Theo phương án được đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km. Điểm đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm).
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Nguy cơ "thua ngay trên sân nhà"
Tại toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá dự án này có khối lượng xây lắp rất lớn, chiếm đến hơn 33 tỷ USD. Việt Nam chưa bao giờ thực hiện một dự án nào có vốn và quy mô lớn như dự án này.
"Có thể nói đây là cuộc cách mạng 'thay da đổi thịt' đối với các nhà thầu xây dựng. Chúng tôi ý thức được đây là dự án không quá khó về mặt công nghệ nhưng quy mô rất lớn", ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, nếu hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, cầu dây văng thì thời gian qua các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên.
Tuy nhiên, với dự án đường sắt có tốc độ lên tới 350km/h thì đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một "trận địa" công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết phía doanh nghiệp nhận thấy cơ hội rất lớn của mình và các nhà thầu Việt. Nếu không chuẩn bị kỹ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể "thua ngay trên sân nhà".
Theo ông Tuấn Anh, ngoài cố gắng, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp với nhau. Thời gian qua, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phát huy rất tốt điều này, đây là điểm sáng. Trước đây doanh nghiệp xây lắp thường cạnh tranh, nhưng gần đây có hỗ trợ tương tác tốt. Do đó, cần phát huy yếu tố này khi thực hiện đường sắt tốc độ cao và hệ thống đường sắt khác.
Nói về sự chuẩn bị, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết đã có phương án tăng vốn chủ sở hữu, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để liên danh liên kết khi tham gia đấu thầu dự án.
Một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng khác cũng đang rất "rốt ráo" chuẩn bị cho dự án là Tổng công ty 319. Theo ông Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319, ngay trong năm 2023, một số đoàn công tác của doanh nghiệp này thông qua thư mời của các tập đoàn, tổng công ty lớn đã đi học hỏi kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao và tổ chức các lớp liên danh, liên kết đào tạo.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với đối tác qua Kuala lumpur (Malaysia) để tiếp cận, học hỏi công nghệ thi công. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà", ông Phan Phú nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, lãnh đạo Tổng công ty 319 cho rằng đứng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao, các doanh nghiệp trong nước nên bắt tay nhau thay vì triệt tiêu. Bởi chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án.
Không chỉ với các doanh nghiệp vốn nhà nước, dự án đường sắt tốc độ cao cũng mở ra nhiều cơ hội với khối doanh nghiệp tư nhân.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết doanh nghiệp này đã liên kết Đại học Giao thông Vận tải để đào tạo cán bộ. Đồng thời, tổ chức nhiều đoàn công tác học tập dài ngày, nghiên cứu, đến tận nơi xem quy trình thi công tại các dự án đường sắt cao tốc trên thế giới.
Ông Thắng khẳng định với những công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thi công được. Quan trọng nhất là làm sao để nhà thầu trong nước có thể hợp tác, liên kết lại để thực hiện dự án.
Về phía Tập đoàn Đèo Cả, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huy cho biết tập đoàn này đã và đang chuẩn bị về con người và công nghệ. Họ đã đã hợp tác với các đối tác quốc tế để tham quan, học hỏi, đào tạo đồng thời để hấp thụ các chuyên gia về đào tạo cho chính nhân sự của mình.
Về công nghệ, Đèo Cả đã có những chuyến công tác nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật bản, châu Âu để học hỏi, trực tiếp tham gia theo dõi quá trình thi công, mời các đơn vị về Việt Nam tham gia vào các gói thầu mà công ty đang thực hiện, qua đó có những tư vấn, góp ý về các thức tổ chức quản lý với các dự án từ đó đạt được kết quả tối ưu. Đèo Cả cũng kết hợp với 2 đơn vị đường sắt ở Trung Quốc để tham quan các dự án, tư vấn một số giải pháp về công nghệ đặc biệt là chuyển đổi số.
Doanh nghiệp Việt trông chờ điều gì?
Nêu kiến nghị tại toạ đàm, ông Trần Cao Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung cho rằng mỗi nhà thầu có thế mạnh riêng và chưa bao giờ ngồi lại, chia sẻ với nhau về thế mạnh riêng của mình. Do đó, trong dự án lớn như thế này, ông Sơn cho rằng rất cần những buổi họp, toạ đàm để cùng xem xét thế mạnh và cùng liên kết tham gia.
Về cơ chế chính sách đối với nhà thầu tham gia dự án này, ông Sơn cho biết doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn để tham gia. Do đó, phía doanh nghiệp mong muốn có cơ chế chính sách để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và có những ưu đãi để dễ dàng thực hiện dự án.
Với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, doanh nghiệp này kiến nghị cần sớm có hành lang pháp lý dành cho thực hiện đại dự án này. Đồng thời, cần xem xét ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công. Bởi khi quyết định công nghệ, tiêu chuẩn sẽ ra định mức, đơn giá, chọn công nghệ, tiêu chuẩn càng chặt chẽ thì định mức, đơn giá càng đắt. Tránh trường hợp khi thực hiện yêu cầu phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng tiêu chuẩn nào thì lại chưa xây dựng, chưa có.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật không thể ngày một ngày hai là có ngay mà cần có sự vào cuộc của không chỉ cơ quan quản lý, các trung tâm đào tạo, các nhà khoa học và thậm chí cả ý kiến của các nhà thầu. Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tổ chức thực hiện nội dung này và phải lấy ý kiến góp ý.
Lãnh đạo Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng thì nhấn mạnh một trong những điểm vướng mắc nhất khi thi công các dự án là công tác GPMB. Có những dự án khi làm việc với địa phương, họ nói mặt bằng không nằm trong diện thu hồi nên doanh nghiệp phải thoả thuận với dân. Công tác GPMB rất khó khăn và thời gian nhanh chậm của dự án cũng phụ thuộc rất lớn vào điều này.
Do đó, doanh nghiệp này đề xuất trong bước thiết kế, nếu đã có quy hoạch, đề nghị thu hồi ngay mặt bằng. Nếu hành lang pháp lý có diện thu hồi đất thì khi làm việc, công tác GPMB cũng sẽ được triển khai nhanh hơn. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khi làm việc với người dân.
Phía Đèo Cả thì cho rằng với hợp đồng EPC, đòi hỏi tổng thầu phải rất am hiểu từ thiết kế, lựa chọn công nghệ, thi công. Trong khi hiện nay chúng ta đang học hỏi kinh nghiệm, vậy hành lang pháp lý, tiêu chuẩn quốc gia để lựa chọn công nghệ là gì.
Do đó, Đèo Cả mong sớm công bố tiêu chuẩn để chúng tôi có cơ sở đi theo, có đầu bài để đưa ra hợp tác quốc tế, có chuẩn để tiếp cận công nghệ phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề nghị tiếp tục, rà soát, chỉnh lý lại những vướng mắc trong các cơ chế đặc thù hiện đang áp dụng thực hiện trong dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam để áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao.