Khủng hoảng bất động sản trầm trọng, chính quyền Trung Quốc mua nhà ‘giải cứu’
Một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang mua nhà với số lượng lớn từ các nhà phát triển bất động sản và khuyến khích các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước hành động tương tự, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản, tờ Securities Times đưa tin hôm 13/10.
Theo Securities Times, chính quyền thành phố Tô Châu ở phía đông tỉnh Giang Tô có kế hoạch mua khoảng 10.000 căn nhà mới. Thành phố Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông đang đề xuất mua 3.000 căn hộ để cho thuê.
Các thành phố bao gồm Hồ Châu ở tỉnh Chiết Giang đã yêu cầu các công ty nhà nước mua nhà từ các chủ đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn từ tháng 8, trong khi chính quyền địa phương ở thành phố Thông Hoa thuộc tỉnh Cát Lâm đã mua bất động sản trị giá 32,5 triệu NDT (4,5 triệu USD) từ nhà phát triển nhà nước Poly để tái phát triển khu ổ chuột, theo thông báo của chính phủ ngày 12/10.
Cũng theo một thông báo từ chính phủ Bắc Kinh từ cuối tháng trước, một tỉnh ở Tân Cương cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước mua nhà số lượng lớn và chuyển thành nhà ở được trợ cấp.
Theo Bloomberg, không rõ liệu hành động tập thể từ chính quyền địa phương có được thông qua trung ương hay không, nhưng rõ ràng chính quyền các cấp đang cố trợ giúp cho lĩnh vực bất động sản ngày một lao dốc tại Trung Quốc.
Trước đó, gói chính sách bất động sản mới nhất của Trung Quốc được công bố trước kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần vào tháng 10 đã không kích thích được hiệu suất bán hàng, khi giao dịch nhà đất ở trong tuần bán hàng thân thiện với truyền thống giảm 38% so với một năm trước đó tại 20 thành phố lớn, theo China Index Holdings Ltd.
Trong khi tình hình giao dịch bất động sản ảm đạm, ngày càng nhiều công ty trong ngành này vỡ nợ hoặc mất khả năng thanh toán, khiến cuộc khủng hoảng nợ tại Trung Quốc thêm trầm trọng.
Mới đây, nhà phát triển bất động sản được hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc là CIFI Holdings Group đã không thanh toán lãi suất cho trái phiếu chuyển đổi 6,95% KHD đến hạn vào ngày 8/10. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, bên được ủy thác, cho biết việc bỏ lỡ thanh toán đã tạo thành một vụ vỡ nợ mới trong ngành nhà đất Trung Quốc.
Phía CIFI không bình luận về nhận định của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhưng giải thích công ty đã gặp phải sự cố chậm trễ trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán lãi suất và khấu hao theo lịch trình do kỳ nghỉ lễ dài gần đây ở Trung Quốc. Nhà phát triển nói thêm rằng đã chủ động liên kết với các chủ nợ để giải quyết vấn đề, đồng thời khẳng định hoạt động thương mại của công ty vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, CIFI cũng cảnh báo rằng nếu không đáp ứng các nghĩa vụ nợ nước ngoài một cách kịp thời hoặc không thể thực hiện các giải pháp đồng thuận thích hợp với các chủ nợ, công ty “có thể xảy ra trường hợp vỡ nợ”.
“Tai ương” của CIFI đặc biệt đáng lo ngại vì công ty này vừa mới gia nhập một nhóm các nhà xây dựng chọn lọc được hưởng sự đảm bảo của nhà nước khi khai thác nguồn vốn trong nước.
Sự thất bại trong việc trả nợ của các nhà phát triển bất động sản tư nhân làm gia tăng lo ngại về hiệu quả của những nỗ lực từ chính quyền Bắc Kinh, nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt vốn đã gây ra những vụ vỡ nợ kỷ lục trong lĩnh vực này.