Kiểm toán chỉ rõ nhiều sai sót tại cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Đoàn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thuộc KTNN chuyên ngành IV vừa công khai về việc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là dự án quan trọng quốc gia, chiều khoảng 188,2km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Trong đó: Dự án thành phần 1 (DATP1) có chiều dài dự kiến 57,2km, địa điểm xây dựng tại tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ; Dự án thành phần 2 (DATP2) có chiều dài dự kiến 37,2km, địa điểm xây dựng tại thành phố Cần Thơ; Dự án thành phần 3 (DATP3) có chiều dài dự kiến 36,9km, địa điểm xây dựng tại tỉnh Hậu Giang; Dự án thành phần 4 (DATP4) có chiều dài dự kiến 56,9 km, địa điểm xây dựng tại tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng. Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt theo quy định của Quốc hội.
Nhân sự chủ các Ban QLDA chưa đáp ứng yêu cầu
Kết quả kiểm toán cho thấy, các Ban QLDA chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc; một số cán bộ chủ chốt của các Ban QLDA chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Việc thực hiện áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn chưa hiệu quả, ngoại trừ DATP1 trên địa bàn tỉnh An Giang, các dự án thành phần khác đều gặp khó khăn và không chủ động được nguồn vật liệu.
Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu xây dựng thông thường nói chung, vật liệu cát nói riêng trong khu vực các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng đột biến do triển khai xây dựng cùng lúc nhiều dự án giao thông, đường cao tốc quy mô lớn; chưa có cơ chế phối hợp cụ thể giữa các địa phương trong khu vực trong việc rà soát, phối hợp cung cấp nguồn vật liệu xây dựng thông thường để sử dụng cho các dự án giao thông lớn, quan trọng trên địa bàn.
Cơ quan chuyên môn của các địa phương chưa rà soát toàn diện nguồn vật liệu trên địa bàn để xem xét sử dụng cho các Dự án cao tốc hoặc chưa có các hướng dẫn kịp thời để chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện.
Bên cạnh đó, việc bố trí trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến khi chưa làm rõ quy hoạch và vị trí, quy mô trạm đảm bảo khoảng cách chung cho toàn dự án theo quy định. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật một số gói thầu xây lắp không thể hiện đầy đủ các thông số, chưa đủ cơ sở để tính toán khối lượng lập dự toán (DATP1, DATP3); một số biện pháp thi công còn chưa phù hợp hoặc thiếu một số bảng tính kết cấu (DATP1, DATP4).
Thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư còn sai sót
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư (TMĐT) còn một số hạn chế, sai sót trong tính toán khối lượng, xác định chi phí thực hiện các công việc khác còn chưa chính xác làm tăng giá trị TMĐT 381.806 triệu đồng.
Cụ thể, DATP1 là 87.082 triệu đồng; DATP2 là 47.721 triệu đồng; DATP3 là 59.903 triệu đồng; DATP4 là 187.100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc xác định một số chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong TMĐT của Dự án là tạm tính, chưa đầy đủ thông tin, căn cứ, cơ sở nên còn chênh lệch so với giai đoạn triển khai thực hiện (DATP2, DATP3, DATP4).
Trong báo cáo thẩm định của Cục cao tốc Việt Nam chưa xác định danh mục các định mức cần tổ chức khảo sát trong quá trình thi công xây dựng theo quy định; một số định mức được vận dụng chưa phù hợp hoặc điều chỉnh nhưng chưa đưa vào danh mục để chủ đầu tư trình thẩm định, phê duyệt; còn sai khối lượng, đơn giá làm tăng giá trị dự toán các gói thầu 224.172 triệu đồng (DATP1 là 32.268 triệu đồng; DATP2 là 63.187 triệu đồng; DATP3 là 43.426 triệu đồng; DATP4 là 85.291 triệu đồng).
Về công tác lựa chọn nhà thầu, thương thảo ký kết hợp đồng, cơ quan chức năng cho biết hồ sơ yêu cầu quy định số lượng máy thi công thấp hơn so với nhu cầu sử dụng của một số gói thầu; tiên lượng mời thầu không thống nhất với phần đo đạc và xác định khối lượng thanh toán trong chỉ dẫn kỹ thuật (DATP1); Hợp đồng chưa quy định chi tiết phương pháp điều chỉnh đơn giá hợp đồng liên quan đến các định mức mới, định mức điều chỉnh khi có kết quả khảo sát, chuẩn xác lại trong quá trình thi công (DATP2, DATP3); chưa công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định.
Các gói thầu xây lắp tại các dự án thành phần đều chậm so với tiến độ chi tiết được duyệt. Nguyên nhân chính do khó khăn về nguồn vật liệu, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến khó đạt được tiến độ đề ra ban đầu.
Từ những tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 1,845 tỷ đồng (DATP1 là 31 triệu đồng; DATP2 là 1,228 tỷ đồng; DATP3 là 124 triệu đồng; DATP4 là 462 triệu đồng); xử lý khác 45,154 tỷ đồng (DATP1 là 44,862 tỷ đồng; DATP4 là 292 triệu đồng).
Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời kiến nghị kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định.