Kiến nghị ban hành nghị quyết gỡ khó một số vấn đề về quy hoạch

Đến nay đã có 84/111 quy hoạch được phê duyệt và thẩm định, có 7 quy hoạch đã được lấy ý kiến các bộ, các ngành và sẽ được thẩm định trong thời gian sắp tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã cho biết thông tin trên tại phiên họp sáng 18/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Kiến nghị ban hành nghị quyết gỡ khó một số vấn đề về quy hoạch - Ảnh 1
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được triển khai, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay đang chuẩn bị thẩm định và trình Quốc hội thông qua dự kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét, tiến độ lập các quy hoạch đã được đẩy nhanh, rất tích cực. Tuy nhiên, số lượng các quy hoạch được phê duyệt vẫn còn chậm, rất thấp, mới có 26/111 các quy hoạch được phê duyệt, trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia.

Còn quy hoạch không gian biển quốc gia, 20 quy hoạch ngành, 5 quy hoạch vùng, 53 quy hoạch tỉnh và đặc biệt là 5 thành phố trực thuộc trực thuộc trung ương chưa được phê duyệt.

Những quy hoạch đã hoàn thành là con số khá khiêm tốn so với số lượng quy hoạch cần phải tiếp tục hoàn thành sớm theo yêu cầu về tiến độ tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế nhận xét.

Cập nhật thông tin về số lượng quy hoạch đã được phê duyệt, Thứ trưởng Bích Ngọc nói, trước khi có Nghị quyết 61 của Quốc hội thì chỉ có 7/111 quy hoạch được phê duyệt.

Tuy nhiên sau khi Nghị quyết 61 của Quốc hội ban hành đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc và tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục đẩy nhanh công tác về quy hoạch. Cho đến nay đã có 84/111 quy hoạch được phê duyệt và thẩm định, hiện nay có 7 quy hoạch đã được lấy ý kiến các bộ, các ngành và sẽ được thẩm định trong thời gian sắp tới. TP.HCM và Hà Nội cũng đang khẩn trương lập quy hoạch.

Còn lại 16 quy hoạch ngành quốc gia, các bộ, ngành đang khẩn trương chỉ đạo để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bà Ngọc thông tin.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu ba nhóm nguyên nhân dẫn đến chậm phê duyệt quy hoạch.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất là Luật Quy hoạch được triển khai từ 2017, cách lập quy hoạch cũng là cách mới và trong quá trình triển khai cũng phát sinh các khó khăn, vướng mắc và cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là trong quá trình thực hiện, một số vướng mắc chỉ có thể sửa được ở Luật Quy hoạch và các quy định liên quan đến luật.

Nhóm nguyên nhân thứ ba là cách hiểu khi xây dựng quy hoạch cũng khác nhau.

“Những nội dung này Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Trong thời gian vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ để sửa, ban hành các văn bản, đó là Nghị định 58/2023 sửa Nghị định 37. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn và hiện nay các văn bản hướng dẫn chuyên ngành đang tiếp tục được hoàn thiện”, bà Ngọc báo cáo.

Liên quan đến phân bổ đầu tư công, quản lý về đầu tư công - vấn đề được nêu tại báo cáo thẩm tra, Thứ trưởng Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ cũng thừa nhận có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.

Một là công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Hai là chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Ba là nguyên nhân đã kéo dài trong rất nhiều năm, đó là công tác chuẩn bị dự án đầu tư chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, số phân bổ vốn đầu tư công mặc dù đã giảm xuống trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn này chỉ còn 5.000 dự án nhưng thực sự vẫn còn dư địa để tiếp tục trong thời gian tới để phân bổ một cách tập trung hơn. Cuối cùng là kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công thì chưa nghiêm.

Về kết quả giải ngân, bà Ngọc nêu, trung bình trong 2 năm 2021, 2022 tỷ lệ giải ngân đạt 93,56%, số liệu 8 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ giải ngân là 42,35% cao hơn cùng kỳ năm 2022, số liệu năm 2022 là 39,15%, số tuyệt đối thì cao hơn 87.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Về nguyên tắc cũng như là thông lệ thì thông thường cuối năm tỷ lệ giải ngân đầu tư công cũng sẽ cao hơn. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân đầu tư công để đạt được tỷ lệ theo kế hoạch và trong thời gian tới Chính phủ cũng đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan chú trọng nâng cao khắc phục công tác chuẩn bị dự án đầu tư công, khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XV cho phép thực hiện điều chỉnh quy hoạch tỉnh để bổ sung nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021-2030 theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội.

Đây là căn cứ pháp lý cần thiết để các tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tỉnh có thể thực hiện bổ sung nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào quy hoạch tỉnh đảm bảo yêu cầu về tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định pháp luật theo yêu cầu tại điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp khóa 6 của Quốc hội khóa XV cho phép giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, thông qua kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh.

Theo Chính phủ, việc phân cấp thẩm quyền ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh sẽ đáp ứng được mục tiêu phân cấp quản lý nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là: Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chính phủ cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích theo thẩm quyền để có cách hiểu thống nhất về việc có thể lập đồng thời quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu đô thị chỉ khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung thống nhất và chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu quy mô dân số; chức năng sử dụng đất, yêu cầu tổ chức không gian; chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; khu vực chức năng để đủ căn cứ làm cơ sở lập quy hoạch phân khu đồng thời với quy hoạch chung; bảo đảm thống nhất giữa các quy hoạch sau khi được phê duyệt.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc về kinh phí cho hoạt động quy hoạch, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích theo thẩm quyền để có cách hiểu thống nhất về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp nhiệm vụ, dự án đến thời điểm ngày 16/6/2022 đã được bố trí một phần kinh phí thường xuyên nhưng phát sinh thêm các nhiệm vụ quy hoạch sau ngày 16/6/2022.

Theo Kinh doanh và Phát triển