Kiến nghị doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, HoREA cho rằng thị trường bất động sản đang rất khó khăn, có thể nói năm 2022 là năm “khó khăn khắc nghiệt nhất” và năm 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản nên cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng.
Hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là “vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn” và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành “nợ xấu” hoặc “nhảy nhóm nợ xấu hơn” trong các trường hợp như: Doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn mà nếu không được gia hạn thì bị xếp vào nhóm nợ “xấu”; Doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị “nhảy nhóm” sang nhóm nợ “xấu hơn”; Doanh nghiệp có nợ “xấu” dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho phép “nới một chút” điều kiện vay vốn tín dụng, nhưng không phải là hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng; Ngoài ra, người mua nhà hiện nay cũng khó vay vốn tín dụng.
HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành Thông tư mới tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, như: Các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư” và “tài sản bảo đảm cho khoản vay” là đúng quy định pháp luật. Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng thương mại còn yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có Giấy phép xây dựng mà yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng là “giấy phép con” làm khó cho doanh nghiệp bất động sản và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, thực hiện “lộ trình” hạn chế dần nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, nên Thông tư 08/2020/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn theo tỷ lệ như sau: “Từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023: 34%; Từ ngày 01/10/2023: 30%” dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng càng bị giảm nguồn vốn tín dụng cho vay trung dài hạn, cần được xem xét kéo giãn thêm “lộ trình” này…
Do đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Ngân hàng Nhà nước.
Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có “Giấy phép xây dựng” thì mới được vay vốn tín dụng.
Đối với doanh nghiệp bất động sản có khoản vay tín dụng quá hạn bị chuyển thành “nợ xấu” thuộc “nhóm 2, nhóm 3” có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện dự án thì Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép tổ chức tín dụng được xem xét giải quyết đối với trường hợp doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện.
Cụ thể, đề nghị xem xét từng trường hợp để cho “khoanh nợ” đối với khoản “nợ xấu” thuộc “nhóm 2, nhóm 3”; dự án đã có “chấp thuận chủ trương đầu tư” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có tính khả thi; Có tài sản bảo đảm cho khoản vay tín dụng; được tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc hoặc lãi.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 08/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN) giãn “lộ trình” quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn thêm 12 tháng…