Kiều hối chuyển về TP. HCM giảm mạnh: Vì sao?
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, kiều hối chuyển về TP. HCM đạt 3,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, kiều hối chuyển về TP. HCM 6 tháng đầu năm đạt 3,16 tỷ USD, bằng 44,5% so với cả năm 2021. Như vậy, so với cùng kỳ, kiều hối 6 tháng đầu năm chuyển về TP. HCM giảm khoảng 13%.
Hai yếu tố chính tác động đến lượng kiều hối chuyển về trong thời gian qua, đó là xung đột Nga – Ukraine và tình hình kinh tế tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp khó khăn do lạm phát và giá dầu, giá lương thực tăng cao, thu nhập người lao động tại nước ngoài và tích lũy của kiều bào ảnh hưởng.
Năm 2021, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so năm trước. Riêng tại TP. HCM, kiều hối chuyển về địa bàn qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD nhận định, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Dự báo trong năm 2022, kiều hối tiếp tục tăng khoảng 2,6%, nhất là khi lệnh phong tỏa vì dịch bệnh đã được gỡ bỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý III và tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ đạt 6,7%. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ ở mức 30,2% trong tháng 7/2022 so với cùng kỳ năm trước, trong khi tháng 6/2022 tăng ở mức 27,3%.
Vừa qua, nhờ các biện pháp điều chỉnh thuế, giá xăng dầu tại Việt Nam đã liên tục giảm (khoảng 20%) kể từ đầu tháng 7/2022. Chính phủ cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 10% từ mức 20% để Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Tuy vậy, áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023.