Kinh doanh bết bát, đại gia BĐS Netland muốn thay đổi cả tên lẫn nhận dạng thương hiệu

Sau khi công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 không khả quan, mới đây Netland hé lộ về kế hoạch thay đổi tên và bộ nhận dạng thương hiệu.

Kinh doanh bết bát, đại gia BĐS Netland muốn thay đổi cả tên lẫn nhận dạng thương hiệu - Ảnh 1

Kết quả kinh doanh lao dốc, tổng tài sản Netland giảm mạnh

CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu thuần vỏn vẹn 57 tỷ đồng, lao dốc 74% so cùng kỳ.

Theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế NRC chỉ đạt 4,6 tỉ đồng, trong khi cùng kì ghi nhận hơn 32 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, NRC mang về doanh thu thuần hơn 151 tỉ đồng, giảm 60% và lợi nhuận sau thuế đạt 9,3 tỉ đồng, giảm mạnh 87% so với cùng kì năm 2019.

Năm 2020, NRC đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 900 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỉ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, Netland mới thực hiện được 17% mục tiêu doanh thu và 5% mục tiêu lợi nhuận.

Ngoài kết quả kinh doanh kém khả quan, dòng tiền thuần tính đến cuối quí III của Netland ghi nhận âm hơn gần 37 tỉ đồng (cùng kì dương gần 15 tỉ đồng). Trong đó, riêng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 29 tỉ đồng (cùng kì dương gần 19 tỉ đồng), dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 98 tỉ đồng (cùng kì dương hơn 57 tỉ đồng).

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Netland đạt hơn 703 tỉ đồng, giảm 18% so với thời điểm đầu năm (855 tỷ đồng). Trong đó, tài sản dài hạn không thay đổi, tài sản ngắn hạn giảm về 588 tỉ đồng so với 740 triệu hồi đầu năm.

Tính đến cuối quí III, hàng tồn kho của Netland chiếm 13% tổng tài sản, tương đương hơn 94 tỉ đồng.

Thay đổi tên và bộ nhận diện

Mới đây, CTCP Bất động sản Netland vừa công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua nội dung thay đổi tên và bộ nhận diện thương hiệu công ty.

Thương hiệu Netland được ra đời từ và cuối tháng 3/2014 với tên đầy đủ là CTCP Dịch vụ Thông tin Bất động sản Netland. Khởi đầu của Netland từ hoạt động môi giới, với hai dự án đầu tay là Khu thương mại dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát (Queen Pearl) và Coco Ocean Resort.

Coco Ocean Resort – dự án đầu tay của Netland  
Coco Ocean Resort – dự án đầu tay của Netland  

Trong thời gian làm nhà môi giới và kết nối thông tin giữa các chủ đầu tư với các đơn vị môi giới, Netland đã nhận thấy cơ hội kinh doanh trong việc hợp tác đầu tư.

Theo đó, doanh nghiệp đã lần lượt hợp tác đầu tư tại hàng loạt dự án sau này như: Khu thương mại dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát (Queen Pearl), Khu thương mại dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát 2 (Queen Pearl mở rộng), Khu biệt thự vườn The Panorama Villas (Haborizon Nha Trang),…

Tháng 10/2016, doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Bất động sản Netland và tăng vốn từ 1,9 tỉ đồng lên 30 tỉ đồng. Đến tháng 3/2018, Netland chính thức niêm yết ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và tái cấu trúc CTCP Bất động sản Danh Khôi trở thành công ty con.

Tính đến ngày 30/6/2020, các cổ đông lớn của Netland gồm: Ông Lê Thông Nhất, Chủ tịch HĐQT (35%); bà Nguyễn Ngọc Thủy, vợ ông Lê Thống Nhất (13,13%), Sanei Architecture Planning Co., Ltd (18,7%) và G - 7 Holdings INC (5,1%).

Động thái muốn đổi nhận dạng thương hiệu lần này của Netland diễn ra trong bối cảnh thương hiệu Danh Khôi dần lấn át công ty mẹ. Trong khi hoạt động kinh doanh của Netland chưa có gì nổi bật thì từ đầu năm đến nay, Danh Khôi liên tục M&A hàng loạt dự án.

Vĩnh Linh (T/H)