Kinh doanh khách sạn hạng sang, Marriott International 'bỏ túi' 2,3 tỷ USD
Marriott International sở hữu loạt khách sạn hạng sang với doanh thu đạt 25,1 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế là 2,37 tỷ USD.
Marriott International (Nasdaq: MAR) mới công bố báo cáo kết quả quý 4 và cả năm 2024.
Theo báo cáo này, Marriott International ghi nhận tổng doanh thu quý IV/2024 đạt 6.429 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ chi phí phát sinh, Marriott International ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 455 triệu USD.
Luỹ kế cả năm 2024, Marriott International ghi nhận doanh thu đạt 25.100 triệu USD, tăng 5,8% so với năm 2023. Cả năm tài chính 2024, Marriott International ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 2.375 triệu USD, giảm 23% so với năm 2023.
Theo kế hoạch, Marriott International dự kiến năm 2025, thu nhập ròng (không bao gồm chi phí được hoàn trả, tái cấu trúc và sát nhập,...) dao động từ 2.697 đến 2.799 triệu USD.

Tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc) gọi tắt là khu vực APEC, Marriott International năm 2024 có doanh thu trên mỗi phòng khoảng 138 USD/phòng, tỷ lệ lấp đầy là 74,4%, giá trung bình mỗi ngày là 186 USD/ngày.
Cùng với đó, theo công bố ngày 12/02/2025, trong năm 2024 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc), Tập đoàn thiết lập kỷ lục với 109 thoả thuận hợp tác tại 11 thị trường, bổ sung 21.439 phòng lưu trú vào kế hoạch phát triển, kết thúc năm 2024 với tổng cộng 77.532 phòng lưu trú dự kiến trong thời gian tới giúp củng cố vị thế dẫn đầu của tập đoàn trong bối cảnh ngành du lịch – lưu trú đang phát triển sôi động tại khu vực.
Ông Rajeev Menon, Chủ tịch khu vực APEC của Marriott International, chia sẻ: “Năm 2024 đánh dấu nhiều kỷ lục đối với Marriott International tại khu vực APEC, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng được thúc đẩy bởi những bước tiến quan trọng trong phát triển, mở rộng thị trường và ra mắt các thương hiệu mới tại các điểm đến được săn đón. Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của du khách hiện đại, trong đó APEC sẽ là khu vực trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của tập đoàn, củng cố vị thế Marriott International là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành dịch vụ lưu trú toàn cầu.”
Tại Việt Nam, tính đến nay, Marriott International đang quản lý, vận hành 25 cơ sở lưu trú. Trong năm 2024, tập đoàn đã mở rộng sự hiện diện tại những điểm đến du lịch trọng điểm với sự ra mắt của JW Marriott Hotel & Suites Saigon, Sheraton Hanoi West và Four Points by Sheraton Ha Giang.
Năm 2025, Việt Nam tiếp tục là thị trường quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của Marriott International trong khu vực. Tập đoàn dự kiến khai trương khách sạn hạng sang JW Marriott Cam Ranh Bay Resort & Spa và Bac Ninh Marriott Hotel, mở rộng hai thương hiệu cao cấp này tại những điểm đến du lịch đầy tiềm năng. Đồng thời, thương hiệu Courtyard by Marriott sẽ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam với khách sạn tại Đà Nẵng dự kiến ra mắt vào giữa năm nay.
Marriott International đang sử hữu nhiều khách sạn mang thương hiệu: JM Marriot, The Ritz -Carlton, W Hotel, Marriott Hotels, Sheraton, Westin, Renaissance, Autograph Collection, Delta Hotels by Marriott, and Gaylord Hotel,...