Lãi chuyển nhượng bất động sản có thể bị áp thuế 20%

Bộ Tài chính nghiên cứu lựa chọn áp dụng giữa 2 phương pháp tính thuế, trong đó có phương án tính thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua - bán BĐS.

Quốc hội đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và thương mại điện tử.

Trong báo cáo phục vụ chất vấn gửi Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, cơ quan này đang nghiên cứu lựa chọn áp dụng giữa hai phương pháp tính thuế chuyển nhượng bất động sản.

Lãi chuyển nhượng bất động sản có thể bị áp thuế 20% - Ảnh 1

Hai phương pháp được cơ quan này nghiên cứu gồm tính trên thu nhập chịu thuế (bằng giá bán trừ tổng chi phí liên quan đến bất động sản chuyển nhượng) hoặc áp dụng mức thuế suất chung trên tổng giá chuyển nhượng.

Bộ Tài chính cho hay, mỗi phương pháp áp dụng sẽ phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu liên quan đến chuyển nhượng bất động sản. Trong đó, trường hợp tính thuế trên lãi sẽ dùng khi cơ sở dữ liệu xác định chính xác giá mua và chi phí liên quan.

Cụ thể, nếu có thể xác định rõ giá mua và các chi phí liên quan đến bất động sản chuyển nhượng, cơ quan thuế sẽ áp dụng phương pháp tính theo thuế suất 20% trên phần thu nhập chịu thuế - được xác định bằng giá bán trừ đi tổng chi phí liên quan. Mức thuế suất này được đề xuất nhằm tiệm cận với thuế suất doanh nghiệp trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp còn lại, nếu không thể xác định được các chi phí đầu vào, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo tỷ lệ 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, phương pháp tính thuế dựa trên phần thu nhập ròng - tức giá bán trừ giá vốn và chi phí là cách tiếp cận phản ánh đúng bản chất giao dịch kinh tế và phù hợp với nguyên tắc đánh thuế trên thu nhập thực tế phát sinh.

Nhưng để triển khai hiệu quả phương pháp này, cần đáp ứng hai điều kiện tiên quyết. Thứ nhất, phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ, minh bạch về lịch sử giao dịch bất động sản, phản ánh sát giá trị thực tế qua các lần chuyển nhượng. Thứ hai, hệ thống pháp luật cần quy định rõ ràng về các khoản chi phí được trừ, điều kiện chứng minh, hóa đơn – chứng từ hợp lệ, cũng như cách xác định giá vốn bất động sản.

Về dữ liệu giao dịch, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hệ thống của cơ quan thuế đã có khả năng tra cứu lịch sử chuyển nhượng thửa đất và lịch sử giao dịch của người nộp thuế từ năm 2018.

Tuy vậy, giá ghi trên hợp đồng vẫn thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát và xác định đúng thu nhập chịu thuế, do thiếu công cụ để xác minh giá trị thật của giao dịch trên thị trường.

Khó khăn tương tự cũng được ghi nhận trong việc xác minh các chi phí liên quan đến giao dịch chuyển nhượng. Ngoài các khoản chi phí dễ chứng minh như chi phí mua bán, xây dựng, cải tạo hay phí thủ tục pháp lý, còn nhiều loại chi phí khác như phí môi giới, lãi vay, chi phí bồi thường... thường không có chứng từ rõ ràng.

Thực trạng này khiến việc xác định chính xác phần lợi nhuận thực tế gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt trong các trường hợp người nộp thuế khai sai nhằm giảm nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, nhiều trường hợp bất động sản được chuyển nhượng có từ thời gian rất lâu hoặc hình thành qua thừa kế, cho tặng, khiến việc xác định giá vốn gần như không thể thực hiện.

Việc cải tiến chính sách thuế trong lĩnh vực bất động sản không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ thuế, phản ánh đúng giá trị thực và lợi nhuận phát sinh từ giao dịch.

Thành Nam

Theo Tài chính doanh nghiệp